Gia Lai miền nhớ: Tìm mộ em trai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 7-2008, sau chuyến công tác ở Hà Nội, tôi ra Ga Hàng Cỏ để lên tàu về Gia Lai. Cùng ngồi dãy ghế với tôi là một ông già trên 70 tuổi, nét mặt phúc hậu nhưng có vẻ lo lắng, ghế trong cùng là cậu thanh niên khoảng trên 20 tuổi. Chiều tối, khi nhân viên đem cơm đến, mọi người nhận phần cơm và lặng lẽ ăn. Tôi thấy 2 ông cháu ăn một cách trễ nải và nói chuyện nho nhỏ với nhau. Loáng thoáng nghe họ nhắc đến Gia Lai, tôi tò mò làm quen.
Qua câu chuyện, tôi được biết ông là nhà giáo đã nghỉ hưu, quê ở Bắc Ninh, đang cùng người cháu họ đi vào Gia Lai tìm mộ của người em trai là liệt sĩ thời chống Mỹ. Đây là lần đầu tiên ông vào Tây Nguyên và đến Gia Lai. Ông vẫn không hình dung nổi khi một người quen chỉ đường trong thư rằng, muốn đi Gia Lai thì đi tàu hỏa, cứ đến Ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định) thì chuyển sang xe ô tô đi tiếp thêm trăm cây số đường đèo nữa... Biết tôi cũng đang trên đường về Gia Lai, ông mừng lắm. Ông kể, em trai ông vào chiến trường B năm 1969, hy sinh năm 1972. Trong giấy báo tử mà đơn vị gửi về chỉ ghi nơi hy sinh và an táng ở Mặt trận phía Nam.
Ông nói, trước khi mất, mẹ ông chỉ có một ước nguyện duy nhất là phải tìm bằng được phần mộ và đưa hài cốt của em trai về nằm cạnh mẹ. Và từ ngày ấy, lúc nào ông cũng thấy mình có lỗi với vong linh của mẹ và em bởi tuy đã liên hệ với nhiều nơi, nhiều người nhưng đều không có một manh mối nào. “Mặt trận phía Nam” thật mông lung với ông, không biết em trai nằm ở nơi nào trong cái chiến trường dài rộng ấy. Thật may, có một người cùng họ vào Gia Lai làm ăn viết thư về báo tin, hình như ở một nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Gia Lai có một ngôi mộ liệt sĩ có tên giống tên của em trai ông. Lo liệu tiền nong xong, ông và đứa cháu lên đường. “Không đi thì ruột gan rối bời, nhưng khi đã lên tàu rồi thì thấy thông tin mù mờ, ở nơi xa lạ kia thì biết có kết quả gì hay không?”-ông buông tiếng thở dài. Nghe ông chia sẻ tâm tư, lòng tôi khi ấy cũng nặng trĩu. Từng đi tìm mộ người anh trai hy sinh trong chiến tranh, từng hy vọng và thất vọng, tôi rất hiểu tâm trạng của ông. Bất giác, chuyện của ông thành chuyện của tôi. Rất cương quyết và chân tình, tôi hứa sẽ giúp và quyết tâm cùng ông đi tìm hài cốt người em trai. Nghe vậy, ông vui vẻ, phấn chấn hẳn lên.
Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, tàu đến Ga Diêu Trì. Tôi và 2 ông cháu vào một quán ăn, ăn qua loa chút cho đỡ đói rồi lên xe về Pleiku ngay. Quê ở vùng đồng bằng đô thị sầm uất nên ông có thể cảm nhận ra sự khác thường trong khung cảnh vùng Tây Nguyên. Qua đèo An Khê, đèo Mang Yang... ông không ngớt khen ngợi cảnh vật 2 bên đường. Bấy giờ Tây Nguyên đã vào đầu mùa mưa, những cánh rừng 2 bên đường xanh ngút ngàn, đường tuy có cheo leo nhưng rất đẹp.
Chiều muộn mới về đến Pleiku. Tôi đưa 2 ông cháu vào Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Tại đây, họ được đón tiếp rất chu đáo. Những ngày sau đó, chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, nhân viên trong Sở, từ tra tìm danh sách đến nghĩa trang, mộ chí…, cứ thế mọi thứ diễn ra thật thuận lợi, như có người chỉ đường. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của em trai ông. Nụ cười và nước mắt đã quyện chảy vào cái thời khắc ấy… Lời thỉnh nguyện của gia đình ông xin đưa hài cốt liệt sĩ về quê được chấp nhận. Ông cùng đứa cháu và em trai lên đường trở lại quê nhà vào một ngày trung tuần tháng 7-2008.
Một tuần sau, ông gọi điện thoại vào cho tôi. Ông kể chuyện địa phương đã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ cho em trai ông rất chu đáo. Ông và gia đình thật sự mãn nguyện khi đã thực hiện được di nguyện cuối cùng của mẹ. Vài hôm sau, tôi nhận được thư của ông kèm theo tấm ảnh chụp chung với nhau, ông viết: “…Gửi ảnh vào để chúng mình nhìn thấy nhau”. Ông tên là Đỗ Ất (số nhà 148 phố Nguyễn Trãi, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Cũng khá lâu rồi không liên lạc, chẳng biết bây giờ ông có khỏe không?
NGÔ MINH

Có thể bạn quan tâm