Gia Lai nằm trong 9 tỉnh, thành sẽ thanh tra chuyên ngành về ATTP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, tới đây sẽ thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại địa bàn 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ảnh: LP
Kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ảnh: LP



Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Riêng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; Tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm.

Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ ngày 10/6/2019.

Cũng theo Quyết định, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên phải am hiểu pháp luật về thanh tra và ATTP; có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/1/2019.

Cũng dịp cuối năm này, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.

Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Ngoài bảo đảm ATTP trong dịp Tết, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là làm thế nào để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho công nhân.

Các bữa ăn giữa ca là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp được. Thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang cung cấp cho công nhân những bữa ăn chỉ từ 12.000-14.000 đồng. Giá bữa ăn càng thấp thì nguy cơ về các vấn đề ATTP càng tăng cao và dễ dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.

Minh Châu (Công Luận)

Có thể bạn quan tâm