Gia Lai nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy thành tích đạt được trong năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Chất lượng giáo dục được nâng lên
Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT. Ngành đã thực hiện hiệu quả chủ trương sáp nhập các trường học quy mô nhỏ trên cùng địa bàn, điều chỉnh quy mô lớp học hợp lý, thu gọn các điểm trường phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương. Năm học qua, toàn tỉnh có 788 trường học với gần 395 ngàn học sinh; trong đó hơn 46% học sinh dân tộc thiểu số được chú trọng cả về quy mô lẫn chất lượng với 15 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT và 25 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và THCS.
Ngành GD-ĐT Gia Lai đã phối hợp tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai lần thứ X năm 2019.
Ngành GD-ĐT Gia Lai đã phối hợp tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai lần thứ X năm 2019.
Chất lượng giáo dục của các bậc học được nâng lên một cách toàn diện với nhiều thành tích nổi bật. Theo đó, 100% cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, có môi trường xanh-sạch-đẹp và thân thiện, thu hút trẻ đến trường. Các trường mầm non và tiểu học vùng dân tộc thiểu số chú trọng thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, mang lại những kết quả tích cực. Các trường THCS, THPT chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng trường và đối tượng học sinh; thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động chuyên môn trong công tác dạy và học, nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT và duy trì sĩ số học sinh. Sở GD-ĐT đẩy mạnh phong trào “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019”, huy động và duy trì sĩ số học sinh, xây dựng “Trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”, triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học lực yếu”. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên một bước rõ rệt, tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 đạt 90,78%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo đạt 88,5%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,9%, ở cấp THCS đạt 90% và ở cấp THPT đạt 51,5%...
Công tác xây dựng trường học và thư viện đạt chuẩn quốc gia được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 350/770 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 45,57%, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, bậc mầm non có 107/263 trường, chiếm hơn 40,6%; tiểu học 111/222 trường, chiếm 50%; tiểu học-THCS 111/235 trường, chiếm hơn 47,2%; THPT 21/50 trường, chiếm 42%. Có 100% số trường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, hệ thống hồ sơ, sổ sách và hồ sơ giáo viên được sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, lưu trữ; 100% giáo viên sử dụng máy tính để soạn giảng.
Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên đạt trình độ cao cũng được ngành đặc biệt chú trọng. Ngoài ra, ngành đã tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ X-2019; Hội thi “Bé mầm non vui khỏe”; Liên hoan văn nghệ ngành Giáo dục; thi thăng hạng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Năm học 2019-2020 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm học mà toàn ngành GD-ĐT nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Do đó, thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua chuyên đề “Duy trì sĩ số học sinh”, “Trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”, “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020”, hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tỷ lệ trường học chuẩn quốc gia trong năm 2020; phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú; khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học. Duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và THCS. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu do UBND tỉnh giao trong năm 2020 như: tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 89%, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,9%, ở cấp THCS đạt 91,5%, ở cấp THPT đạt 52%.
Mô hình thư viện thân thiện trong Trường Mẫu giáo Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) góp phần tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Mô hình thư viện thân thiện trong Trường Mẫu giáo Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) góp phần tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Tập trung tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ; tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngành GD-ĐT tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở bậc học phổ thông, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuyên đề tích hợp, liên môn. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, sinh viên. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai kế hoạch tăng cường dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án ngoại ngữ quốc gia. Đồng thời chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao trình độ và năng lực giảng dạy của giáo viên ngoại ngữ; nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Tăng cường quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý cho các cơ quan quản lý GD-ĐT. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo; khắc phục và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên...
NGUYỄN TƯ SƠN
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT

Có thể bạn quan tâm