Chính vì vậy, tỉnh đang triển khai các giải pháp, trong đó có việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chỉ số này.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh Gia Lai, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung là 83,51%, cao hơn 0,91% so với năm 2022. Với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung, mức độ hài lòng của người dân đạt khoảng 84,32%, cao hơn 1,88% so với năm 2022. Về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của tỉnh, mức độ hài lòng của người dân là 83,84%, cao hơn 1,32% so với năm 2022.
Gia Lai tiếp tục đề cao vai trò người đứng đầu để xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Ảnh: H.D |
Cũng theo khảo sát, 11,36% người dân cho rằng có một số ít công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 1,3% cho rằng có nhiều công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân (cả 2 tỷ lệ này đều tăng so với năm 2022).
Bên cạnh đó, 10,57% người dân được khảo sát cho rằng một số người vẫn phải đưa tiền ngoài quy định và 1,79% cho rằng nhiều người dân phải đưa tiền ngoài quy định (cả 2 tỷ lệ này đều tăng so với năm 2022).
Điều này cho thấy kỷ luật, kỷ cương hành chính và tinh thần phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân chưa được thực hiện nghiêm, đòi hỏi các cơ quan cần kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện, kỷ luật, chuyển công việc hoặc thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những công chức có hành vi tiêu cực trong giải quyết công việc cho người dân.
Anh Lê Hoàng Hưng (tổ 8, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi mong chính quyền địa phương nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân, nhất là về quy hoạch đất đai. Đồng thời, mở rộng các cơ hội tham gia giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền.
Một vấn đề nữa là cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân trong giải quyết công việc vì tôi thấy vẫn còn tình trạng cán bộ “mặt nặng mày nhẹ” khi làm việc với người dân. Nếu người lãnh đạo chỉ đạo nghiêm thì không cán bộ nào có thể nhũng nhiễu hay dám thái độ không tốt với người dân”.
Nhiều nhà đầu tư chọn Gia Lai làm nơi 22 nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, TTHC được đơn giản hóa tối đa. Ảnh: Hà Duy |
Qua khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền về việc tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh đạt 84,79%; thực hiện tốt chính sách nước sinh hoạt đạt 83,81%; thực hiện tốt chính sách trật tự, an toàn xã hội đạt 83,78%; thực hiện tốt chính sách khám-chữa bệnh đạt 83,65%; thực hiện tốt chính sách cải cách hành chính đạt 83,27%; thực hiện tốt chính sách điện sinh hoạt đạt 83,11%; chất lượng tổ chức thực hiện chính sách nói chung đạt 83,49%.
Mặc dù đã được cải thiện song Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh chỉ xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giảm 3 bậc so với năm 2022.
Để cải thiện và nâng cao Chỉ số SIPAS trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến cho rằng: Cần thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch các thông tin chính sách tại trụ sở cơ quan, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, cổng thông tin điện tử; tạo điều kiện cho người dân được biết, được bàn, được phản ánh, kiến nghị, tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đơn giản hóa những thủ tục hành chính, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị phải giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, hòa nhã, tận tình, giải quyết công việc nhanh chóng, chuyên nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đề cập trách nhiệm của người đứng đầu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu: “Các sở, ngành, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; nếu để xảy ra trễ hẹn phải thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm các giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định thủ tục hành chính, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân”.