(GLO)- Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm góp phần phòng-chống bạo lực và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Còn nhiều định kiến về giới
Ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nhận định: Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người đàn ông thường dành thời gian cho việc làng, họ hàng, bù khú bạn bè, rượu chè… Gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả dồn lên đôi vai người phụ nữ.
Còn bà Nguyễn Thị Bảy-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Păh-cho rằng: Trong cuộc sống hàng ngày, phụ nữ thường làm nhiều công việc cùng một lúc. Thời gian làm việc của phụ nữ nhiều hơn thể hiện đa vai trò hơn. “Làm việc nhà là loại công việc không tên tuổi, nó giúp gia đình tồn tại nhưng lại không được xã hội nhìn nhận và chính bản thân nam giới cũng không coi trọng công việc gia đình. Do vậy, vị trí phụ nữ càng thấp, mà khi vị trí thấp thì ít được lựa chọn công việc mà là làm theo sự phân công có tính truyền thống”-bà Bảy nêu quan điểm.
Cán bộ xã Ia Sao (huyện Ia Grai) tuyên truyền về bình đẳng giới trong gia đình. Ảnh: Đinh Yến |
Ngày nay, không ít phụ nữ và trẻ em gái cũng tỏ rõ quan điểm bất mãn đối với việc bất bình đẳng giới ngay trong chính gia đình mình. Bà Nhêm (làng Groi Wet, xã Glar, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Hàng ngày, vợ chồng cùng làm ruộng, rẫy. Tối về nhà, bao nhiêu việc vặt, cơm nước, chăm lo con cái chỉ mình làm. Nhiều lúc bận việc nói chồng tắm cho con thì chồng bảo đấy là việc của đàn bà. Mình chán lắm nhưng chưa biết phải nói thế nào để chồng chia sẻ công việc với mình”. Em Nguyễn Gia Hân (SN 2007, đường Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) tâm sự: “Nhà cháu có hai anh em. Anh cháu năm nay 17 tuổi rồi mà chẳng phải động chân động tay vào việc gì. Còn cháu lúc nào ba mẹ cũng bảo phải chăm chỉ siêng năng cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Ba cháu nói: “Con gái phải giỏi nữ công gia chánh. Để anh con sau này làm những việc to tát ngoài xã hội, con đừng có mà tị nạnh lung tung. Cháu được tuyên truyền và giáo dục về bình đẳng giới, nhưng thực tế ở gia đình cháu lại chẳng bình đẳng”.
Khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới
Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi khi có kiến thức, hiểu biết thì mọi người sẽ biết hành xử sao cho phù hợp. Nội dung tuyên truyền cần lên án, đả phá những hành vi vi phạm và kìm hãm việc thực hiện quyền bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, phân biệt đối xử, những hủ tục và quan điểm trọng nam khinh nữ, những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, coi thường vai trò và vị trí của phụ nữ, trẻ em trong cuộc sống, xem nhẹ việc học tập, lao động và tham gia đoàn thể xã hội.
Cán bộ xã Ia Kly (huyện Chư Prông) trao đổi về bình đẳng giới trong gia đình cho người dân. Ảnh: Đinh Yến |
“Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Triển khai hiệu quả cuộc thi viết về chủ đề “Gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai” năm 2022. Cùng với đó, Sở tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh phát triển các “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng cũng như các mô hình phòng-chống bạo lực gia đình tại các địa phương trên toàn tỉnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền những hạn chế mang định kiến về giới, xây dựng chuyên mục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, trên báo, đài. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình theo quy định”-ông Hạnh thông tin thêm.
Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa cũng bày tỏ: “Để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản, kế hoạch liên quan đến bình đẳng giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Cũng theo bà Lai, huyện Đak Đoa hiện đã thành lập được 16 Câu lạc bộ “Hạnh phúc gia đình” và 23 Câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... Bên cạnh đó, huyện tăng cường dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc”.
ĐINH YẾN