Gia Lai ngăn chặn xuất khẩu lao động bất hợp pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) thông qua những doanh nghiệp uy tín có chức năng XKLĐ. Nhờ đó, người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin, hạn chế thấp nhất tình trạng XKLĐ bất hợp pháp”-ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết.
“Đi tận ngõ, gõ tận cửa”
Từ năm 2016 đến nay, hàng năm tỉnh Gia  Lai cấp giấy giới thiệu cho hơn 20 doanh nghiệp uy tín có chức năng XKLĐ về các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia XKLĐ. Từ đó, nhiều gia đình, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện thoát nghèo, tích lũy để phát triển kinh tế gia đình.
 Chị Phạm Thị Thi-Phó Trưởng phòng tuyển dụng Công ty cổ phần Hợp tác Lao động quốc tế Vinaco (giữa) thăm gia đình chị H'Cha. Ảnh: Đ.Y
Chị Phạm Thị Thi-Phó Trưởng phòng tuyển dụng Công ty cổ phần Hợp tác Lao động quốc tế Vinaco (giữa) thăm gia đình chị H'Cha.  Ảnh: Đ.Y
Một trong những địa phương làm tốt công tác XKLĐ thời gian qua là huyện Chư Pưh. Ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Từ năm 2017 đến nay, thông qua Công ty cổ phần Hợp tác Lao động quốc tế Vinaco, huyện có 120 lao động đi XKLĐ, chủ yếu làm việc ở các thị trường Ả Rập Xê Út, Malaysia, Nga, Đài Loan. “Đội ngũ nhân viên của Công ty nhiệt tình, làm việc không kể thời gian, “đi tận ngõ, gõ tận cửa” từng gia đình để tuyên truyền. Chúng tôi yên tâm nên tạo mọi điều kiện để Công ty phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia XKLĐ”-ông Trường chia sẻ.
Để giúp người dân tìm được việc làm với mức lương ổn định ở những thị trường phù hợp với khả năng và trình độ lao động, đội ngũ nhân viên các doanh nghiệp XKLĐ rất sâu sát trong công tác tư vấn. Chị Phạm Thị Thi-Phó Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty cổ phần Hợp tác Lao động quốc tế Vinaco-cho hay: “Sau vài năm nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, hiện người dân trên địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa... đã tự tin đăng ký tham gia XKLĐ. Bên cạnh việc giúp người lao động gửi tiền lương về, chúng tôi còn quan tâm định hướng gia đình họ sử dụng số tiền đó một cách hợp lý như gửi tiền vào ngân hàng hay đầu tư phát triển kinh tế sao cho hiệu quả”.
Nên XKLĐ theo ngạch chính thống
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hàng năm tỉnh ta có gần 1.400 lao động đi XKLĐ, tập trung ở một số nước như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Lào và Campuchia với thu nhập dao động 10-70 triệu đồng/người/tháng, giúp cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2016 đến nay, trong công tác XKLĐ, tỉnh ta chưa để xảy ra những việc đáng tiếc như: cán bộ, nhân viên lợi dụng uy tín để chiếm đoạt tiền hay “bỏ rơi” lao động giữa chừng; lao động phải về nước trước thời hạn hợp đồng...
Mới đây, Sở LĐ-TB và XH hội nghị đẩy mạnh công tác XKLĐ. Ảnh: Đ.Y
Mới đây, Sở LĐ-TB và XH hội nghị đẩy mạnh công tác XKLĐ. Ảnh: Đ.Y


Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Lao động có nhu cầu đi XKLĐ nên lựa chọn kênh chính thống, đến trực tiếp đăng ký tại các hội, đoàn thể ở thôn, xã và qua các doanh nghiệp XKLĐ. Khi XKLĐ bằng con đường chính thống sẽ có nhiều cái lợi như: chi phí thấp, được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn, được doanh nghiệp XKLĐ tư vấn công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Nếu không may gặp rủi ro thì sẽ được bồi thường hợp đồng lao động. Tới đây, Sở sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn tỉnh vi phạm chức năng, quyền hạn sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm”.


Tại huyện Chư Pưh và Chư Sê, hiện có 76 lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở Ả Rập Xê Út. Rất nhiều người trong số này đã trả được nợ nần, có tiền gửi tiết kiệm, xây nhà, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhiều lao động đã đến UBND xã đăng ký tiếp tục đi XKLĐ vào năm 2020. Chị Rcom H'Cha (làng Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cho biết: Chị tham gia XKLĐ tại Ả Rập Xê Út từ cuối năm 2016, đến cuối năm 2018 về nước. Trong khoảng thời gian này, chị đã tích lũy được gần 170 triệu đồng, xây được căn nhà khang trang và mua 3 con bò… “Năm 2020, tôi tiếp tục đăng ký đi làm việc tại thị trường Đài Loan. Mức lương giúp việc ở thị trường này là 20 triệu đồng/tháng, cao gấp đôi thị trường Ả Rập Xê Út. Tôi tham gia XKLĐ thông qua doanh nghiệp uy tín, có hợp đồng lao động bài bản nên rất yên tâm, không sợ rủi ro”-chị H'Cha nói.
Gần đây, thông tin về 39 lao động tử vong trong thùng đông lạnh của xe container do đi tìm “miền đất hứa” bằng con đường bất hợp pháp đã gióng lên hồi chuông báo động, thức tỉnh không chỉ với người lao động mà cả doanh nghiệp làm công tác XKLĐ. Ở tỉnh ta, trên địa bàn một số huyện như: Kbang, Ia Pa và Chư Prông thời gian qua cũng có một số lao động đi làm việc “chui” tại Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đặc biệt là vụ việc 7 lao động ở Kbang đi làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc năm 2017, tuy nhiên đến nay đã trở về nhà an toàn. Hay năm 2015, ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) cũng có 3 lao động nữ được môi giới ra Hà Nội bán quần áo nhưng rồi bị bán sang Trung Quốc, nhờ may mắn liên hệ được với gia đình để nhờ Công an, chính quyền địa phương can thiệp nên cả 3 đã trở về an toàn. Điều đáng lo ngại là tỉnh ta còn 28 lao động tại Hàn Quốc tuy đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước mà trốn lại cư trú và làm việc bất hợp pháp. Theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đây chính là thách thức trong công tác XKLĐ. “Lao động đi làm việc “chui” nếu xảy ra rủi ro thì chịu nhiều thiệt hại, không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, cũng không được luật pháp và các cơ quan chức năng bảo vệ”-ông Thành cảnh báo. 
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm