Văn hóa

Gia Lai: Người dân nô nức đi chùa, tảo mộ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Như một nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, ngay từ sáng sớm Mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân Gia Lai nô nức đi chùa, tảo mộ để cầu phúc, hái lộc, cầu mong một năm mới bình an cho gia đình.

Đi chùa cầu phúc, hái lộc

Đường phố Pleiku sáng Mùng 1 Tết khá nhộn nhịp. Ảnh: Đức Thụy

Đường phố Pleiku sáng Mùng 1 Tết khá nhộn nhịp. Ảnh: Đức Thụy

Tiết trời Phố núi Pleiku ngày Mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024 nắng nhẹ và se lạnh, rất lý tưởng để xuất hành đầu năm. Ngay từ sáng sớm, từng dòng người từ mọi nẻo đường đổ về các ngôi chùa lớn của TP. Pleiku như chùa Vĩnh Nghiêm, Bửu Minh, Minh Thành để làm lễ cầu bình an, hái lộc cho gia đình và người thân. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt trong ngày đầu năm mới.

Rất đông người dân đến chùa Minh Thành để cầu bình an, hái lộc đầu năm. Ảnh: Đức Thụy

Rất đông người dân đến chùa Minh Thành để cầu bình an, hái lộc đầu năm. Ảnh: Đức Thụy

Trong trang phục áo dài truyền thống, chị Phạm Thị Hà (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) đã cùng bạn bè đến chùa Minh Thành từ khá sớm để cầu bình an. Chị Hà cho biết: “Ngay sau thời khắc Giao thừa, tôi đã lên chùa cầu phúc và xin lộc. Trong không gian rất yên tĩnh, thiêng liêng nơi cửa Phật, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và người thân trong năm mới”.

Còn chị Trần Thị Thu Thủy (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) ngay từ sáng sớm Mùng 1 Tết cũng đã thu xếp công việc lên chùa để xin lộc, cầu cho gia đạo bình an. “Cứ như thường lệ, Mùng 1 Tết hàng năm gia đình tôi đều chọn chùa Minh Thành để đến lạy Phật, thắp hương. Ước mong cho cả gia đình ai nấy cũng mạnh khỏe, vui tươi trong năm mới này”-chị Thủy chia sẻ.

Chị Trần Thị Thúy Kiều (tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê) vãn cảnh chùa cảm nhận sự thanh tịnh, bình an ngày đầu năm mới. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Trần Thị Thúy Kiều (tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê) vãn cảnh chùa cảm nhận sự thanh tịnh, bình an ngày đầu năm mới. Ảnh: Ngọc Minh

Dù tiết trời khu vực phía Đông tỉnh sáng mùng 1 Tết không mấy ủng hộ, trời se lạnh và có mưa nhẹ nhưng không cản được người dân đổ về các chùa để hái lộc, cầu nguyện cho gia đình năm mới sức khỏe, bình an.

Cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn, chị Trần Thị Thúy Kiều (tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê) cùng chồng và bố mẹ đã xuất hành đến Tịnh xá Ngọc Trung (phường Tây Sơn) từ rất sớm để thắp nén hương cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, bình an, vạn sự an lành.

Chị Kiều vui vẻ nói: “Sau khi bố mẹ thắp hương ông bà tổ tiên, cả gia đình xuất hành đi lễ chùa. Ngày đầu năm mới vãn cảnh chùa tôi cảm nhận được sự an yên, thanh tịnh trong lòng, bỏ lại những bộn bề khó khăn của năm cũ, ước vọng năm mới tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, đi chùa cũng là cách để tôi và người thân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ông cha. Năm mới kính chúc gia đình, người thân và mọi người thật nhiều sức khỏe và thành công hơn trong cuộc sống”.

Chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) đông nghịt người vào ngày đầu năm mới. Ảnh: Vũ Chi

Chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) đông nghịt người vào ngày đầu năm mới. Ảnh: Vũ Chi

Thay cho cái nắng nóng bao trùm suốt nhiều ngày qua, thời tiết ngày đầu năm khá mát mẻ, thuận lợi cho người dân xuất hành đầu năm. Ngay sau lễ tảo mộ, người dân nô nức đi lễ chùa cầu may.

Sáng mùng 1 Tết, chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) đông nghẹt người. Trong không khí linh thiêng, mọi người thành kính lạy phật cầu xin những điều may mắn trong năm mới.

Rất đông người dân tập trung về chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) thắp hương lạy phật cầu may. Ảnh: Vũ Chi

Rất đông người dân tập trung về chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) thắp hương lạy phật cầu may. Ảnh: Vũ Chi

Chị Phạm Thu Trang (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho biết: “Sáng Mùng 1 Tết, cả gia đình tôi tập trung về nhà nội đi tảo mộ và lễ chùa trước khi đi chúc Tết họ hàng. Nhằm đảm bảo an toàn, nhà chùa khuyến cáo hạn chế thắp nhang nên mọi người chỉ lạy phật và xin quẻ cầu may. Bước sang năm Giáp Thìn, tôi cầu mong cho tất cả các thành viên trong gia đình sức khỏe dồi dào, con cháu hiếu thảo, làm ăn thuận buồm xuôi gió”.

Tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên, ông bà

Bên cạnh đi chùa, tục tảo mộ, viếng người thân đầu năm mới cũng là nét đẹp văn hóa ăn sâu vào đời sống của người dân Việt Nam. Ngày đầu năm mới, dù bận rộn thế nào thì mọi người đều dành thời gian để tìm về thăm nén hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất.

Dòng người đổ về Nghĩa trang TP. Pleiku (xã Trà Đa) sáng mùng 1 Tết khá đông. Ảnh: Quang Tấn

Dòng người đổ về Nghĩa trang TP. Pleiku (xã Trà Đa) sáng mùng 1 Tết khá đông. Ảnh: Quang Tấn

Tại các nghĩa trang ở TP. Pleiku sáng mùng 1 Tết cũng không ngoại lệ, từng dòng nhộn nhịp người đổ về tảo mộ, viếng người thân đã khuất. Cũng như mọi năm, ngay từ sáng sớm ông Phạm Thế Anh (tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thu xếp công việc gia đình để ra Nghĩa trang TP. Pleiku (xã Trà Đa) viếng mộ, thắp nén hương cho người vợ đã khuất của mình.

Ông Phạm Thế Anh viếng mộ người vợ đã khuất. Ảnh: Quang Tấn

Ông Phạm Thế Anh viếng mộ người vợ đã khuất. Ảnh: Quang Tấn

Ông Anh cho biết: “Vợ tôi mất gần 20 năm rồi, các con cũng đã lớn khôn, nên người và cũng đã dựng vợ gả chồng hết. Sáng đầu năm tôi ra thắp hương để tưởng nhớ và cũng để báo cáo công việc, cuộc sống của các con cho người vợ quá cố cùng vui. Đồng thời, cầu mong vợ phù hộ gia đình năm mới nhiều sức khỏe, bình an và thành công trong cuộc sống”.

Người dân mua hoa viếng người thân. Ảnh: Hà Phương

Người dân mua hoa viếng người thân. Ảnh: Hà Phương

Con đường Nguyễn Văn Cừ lên Nghĩa trang TP. Pleiku cũ cũng khá đông đúc người, xe chen chúc lên thăm mộ ngày đầu xuân. Người người mang hương, hoa, bánh, trái cây đến mộ người thân thắp hương, cầu nguyện cho gia đình sức khỏe, bình an.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào sáng Mùng 1 Tết, gia đình bà Phan Thị Thừa (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã tranh thủ đến nghĩa trang để thắp nén hương lên mộ của cha, mẹ và người thân.

Gia đình bà Phan Thị Thừa (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã tranh thủ đến nghĩa trang để thắp nén hương lên mộ của cha, mẹ và người thân. Ảnh: Hà Phương

Gia đình bà Phan Thị Thừa (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã tranh thủ đến nghĩa trang để thắp nén hương lên mộ của cha, mẹ và người thân. Ảnh: Hà Phương

Bà Thừa bộc bạch: “Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về gia đình tôi đều đến phần mộ của cha mẹ để thắp nén hương cầu nguyện phù hộ cho gia đình một năm mới an yên, đầm ấm, làm ăn phát tài. Đây cũng là cách thể hiện lòng hiếu thảo, nhớ về cội nguồn của những con cháu dành cho những người đã khuất khi mỗi dịp năm mới”.

Ngoài đi lễ chùa ngày đầu xuân mới, nhiều gia đình ở thị xã An Khê duy trì tục tảo mộ, viếng tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất nhằm tưởng nhớ cội nguồn và hướng tới làm những việc có ý nghĩa cho gia đình, xã hội.

Ông Lê Văn Tài (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cùng vợ con viếng mộ ông bà, dâng hoa, bánh kẹo, cầu mong năm mới vạn sự an lành. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Lê Văn Tài (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cùng vợ con viếng mộ ông bà, dâng hoa, bánh kẹo, cầu mong năm mới vạn sự an lành. Ảnh: Ngọc Minh

Cẩn thận chỉnh sửa chậu cúc vạn thọ, dâng đĩa bánh kẹo lên mộ phần cha mẹ, ông Lê Văn Tài (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Mỗi độ Tết đến, xuân về, gia đình có truyền thống đi thăm mộ ông bà, tổ tiên để thể hiện sự thành kính, biết ơn với những người đã khuất. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình có cơ hội quây quần bên nhau với những câu chuyện đầu năm, người lớn nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn gốc của mình, mong muốn ông bà phù hộ độ trì năm mới nhiều sức khỏe, làm ăn tấn tới, gia đình hòa thuận”.

Gia đình bà Lê Thị Hồng (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) tảo mộ thắp nén hương cho người thân. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình bà Lê Thị Hồng (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) tảo mộ thắp nén hương cho người thân. Ảnh: Vũ Chi

Còn tại thị xã Ayun Pa, ngay từ sáng sớm, từng dòng người đổ về nghĩa trang thị xã để thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân đã khuất.

Bà Lê Thị Hồng (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Đi làm ăn xa cả năm mới về nên ngày 30 Tết tôi đã tranh thủ lên dọn vệ sinh phần mộ cho ông bà, tổ tiên. Sáng Mùng 1, tất cả con cháu cùng tập trung lại đây thắp nén hương báo công và cầu mong tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Đây là truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay nhằm giáo dục con cháu biết ơn cội nguồn nên cần được giữ gìn”.

Tảo mộ, viếng tổ tiên, ông bà cũng để giáo dục con cháu không được quên nguồn cội. Ảnh: Quang Tấn

Tảo mộ, viếng tổ tiên, ông bà cũng để giáo dục con cháu không được quên nguồn cội. Ảnh: Quang Tấn

Tết là dịp để mọi người trong gia đình dành thời gian bên nhau, cũng là dịp để chúng ta hướng về cội nguồn. Do đó, dù có đi làm ăn xa hay khó khăn gì thì ai cũng muốn quay về nhà ngày Tết, thăm lại mồ mả tổ tiên, ông bà. Tục tảo mộ vì thế đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt.

Có thể bạn quan tâm