Xã hội

Gia đình

Gia Lai: Nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở Gia Lai đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thái Thị Tường Vân cho hay: Sở đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác văn hóa gia đình ngay từ đầu năm.

Thực hiện kế hoạch này, các ban, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò, giá trị của gia đình trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2023, Sở đã tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng-chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”; tuyên truyền, phổ biến tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng hành động quốc gia về phòng-chống BLGĐ (tháng 6).

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á (TP. Pleiku) tích cực tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình qua các hội thi. Ảnh: H.T

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á (TP. Pleiku) tích cực tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình qua các hội thi. Ảnh: H.T

Ngoài ra, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn phối hợp với lực lượng Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi liên quan đến BLGĐ; qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích của người bị xâm hại, giáo dục, xử lý người có hành vi BLGĐ.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.222 “địa chỉ tin cậy”. Các “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng là ngôi nhà thứ hai của các nạn nhân bị BLGĐ để tạm lánh, giúp họ tránh rủi ro về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của BLGĐ.

Bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa-cho biết: Năm 2023, Phòng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên hướng dẫn các cấp hội và MTTQ các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa, lồng ghép nội dung, tiêu chí của các phong trào, cuộc vận động vào tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa.

Nhờ vậy, cuối năm 2023, toàn huyện có 23.836/30.694 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 77,65% (tăng 1,1% so với năm 2022); 104/111 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 93,6%.

Năm 2023, hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các hội thi dành cho gia đình và tuyên truyền viên giỏi về phòng-chống xâm hại và BLGĐ; tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động với chủ đề “Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng”; tổ chức hội nghị biểu dương 114 gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc; gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho 96 hội viên phụ nữ khuyết tật, trẻ em mồ côi với số tiền trên 132 triệu đồng.

Theo bà Rơ Chăm HHồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Các hoạt động trên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cho hội viên phụ nữ.

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn duy trì các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, trợ giúp pháp lý, các mô hình thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng từng xảy ra bất hòa đã cảm thông, chia sẻ và quay lại với nhau, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình.

Thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) ngày càng có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Ảnh: Thanh Tuấn

Thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) ngày càng có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Ảnh: Thanh Tuấn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa gia đình vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: đội ngũ làm công tác gia đình ở cấp xã còn kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, công sức đầu tư cho lĩnh vực này; việc nhân rộng mô hình phòng-chống BLGĐ vẫn còn hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thái Thị Tường Vân, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ. Mặt khác, cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến tâm lý và đời sống các gia đình; tâm lý e ngại của các nạn nhân nên việc phát hiện, giải quyết các vụ BLGĐ thường chậm trễ và gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: Năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình; cung cấp những kiến thức cơ bản về gia đình và phòng-chống BLGĐ, Luật Phòng-chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới đến các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục kiện toàn và phát triển “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng và các mô hình phòng-chống BLGĐ ở các địa phương. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động và tuyên truyền về gia đình, phòng-chống BLGĐ.

Có thể bạn quan tâm