Xã hội

Gia đình

Gia Lai: Nóng chuyện tảo hôn thời mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều thôn làng xa xôi ở Gia Lai, nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra âm ỉ và để lại những câu chuyện buồn dai dẳng từ đời này sang đời khác. Bởi, nếu 'đã ưng cái bụng' mà gia đình không cho cưới thì rủ nhau tự tử. Hệ lụy là cái nghèo mãi đeo bám, nhiều đứa trẻ phải bỏ học sớm để lên nương.
Tảo hôn và chuyện buồn thế hệ
Từ nhiều năm nay, nhiều bản làng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không còn hủ tục “bắt chồng, bắt vợ” mỗi khi thấy ưng cái bụng, vừa con mắt nữa. Thay vào đó, chuyện tình cảm nam nữ cũng trở nên thoáng hơn và việc tự do yêu đương sớm cũng vô tình tạo nên nhiều hệ lụy buồn do hôn nhân sớm. Trước đây, các ông bố, bà mẹ thường “lấy chồng từ thuở 13” phải đối mặt với cảnh đông con, cái nghèo, cái khổ đeo bám. Thì nay, nhiều đứa con của họ ở thời hiện đại vẫn xảy ra tình trạng lập gia đình sớm, tạo nên những câu chuyện buồn thế hệ từ ông bà đến bố mẹ và giờ là đời con, cháu.
 
Anh Rmah Lép lấy vợ từ tuổi 15, nay 37 tuổi đã có 6 đứa con và đã lên chức ông nội.
Tại các vùng thôn quê, các trang mạng xã hội, điện thoại cầm tay… cũng ít nhiều làm “bà mối” nối dây tơ hồng cho những cặp vợ chồng tuổi mới lớn. Tại Gia Lai, trung bình mỗi năm có hơn 1.000 cặp đôi tảo hôn. Riêng huyện biên giới Ia Grai, nhiều năm nay nạn tảo hôn vẫn âm ỉ diễn ra và những câu chuyện buồn cứ thế kéo dài còn chưa có hồi kết.
Nói về chuyện tảo hôn, anh Siu Thunh (Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Năm nào địa phương cũng tổ chức tuyên truyền nhưng do nhận thức của bà con còn thấp nên nạn tảo hôn vẫn chưa chấm dứt được. Thường các cặp mới 16-17 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng. Do ảnh hưởng của mạng xã hội, điện thoại di động nên bọn trẻ dễ dàng hẹn hò, yêu nhau sớm lắm, học sinh cấp 2 đã yêu rồi. Con gái, con trai thích, yêu nhau là đòi bố mẹ cưới ngay thôi. Nếu bố mẹ không cho nó lấy nhau thì nó đòi tự tử, bố mẹ sợ có chuyện không hay nên đành chiều con. Có mấy trường hợp bố mẹ không cho lấy nhau nó liền tự tử rồi”.
Xuống tận thôn làng, không khó để bắt gặp cảnh các bà mẹ trẻ tay bế, tay bồng, những đứa trẻ ngang đầu nhau líu nhíu. Nhiều cô gái mặt còn ngây ngô của tuổi mới lớn nhưng đã có chồng, sinh con. Thậm chí nhiều gia đình, các cặp vợ chồng mới qua tuổi 30 đã lên chức ông bà và chuyện buồn của đời trước lại tiếp diễn ở đời sau.
Trong cái nắng tháng 3 vùng biên như đổ lửa, căn nhà mái tôn thấp tè của gia đình anh Rmah Lép (làng Sát Tâu, xã Ia Pếch) vẫn văng vẳng tiếng à ơi. Anh Rmah Lép nằm ngủ dưới nền nhà tránh nóng. Cạnh bên chiếc giường nhỏ vẫn còn căng màn kín bưng, chị Rơ Châm Bnghé (vợ anh Lép) vẫn ngồi chõng ru con ngủ và 2 bé gái chừng 4-5 tuổi vẫn quấn lấy mẹ không chịu rời.
Tiếp chuyện với khách, anh Lép tỏ ra ngượng ngùng vì không rõ mình lấy vợ đã bao lâu, chốc chốc anh lại quay sang hỏi ý kiến vợ. Ít ai ngờ rằng, người đàn ông trông nhỏ thó này năm nay mới 37 tuổi nhưng đã có 6 mặt con và anh đã lên chức ông. Trước đây, khoảng 15 tuổi anh đã đi “bắt vợ”, nay 2 đứa con đầu của anh cũng tiếp bước bố: Đứa con trai đầu 20 tuổi đã có vợ, có con ở xã Ia Khai; con gái thứ 2 mới 15 tuổi nhưng đã lấy chồng ở tận xã Ia Kênh (TP. Pleiku) gần được 1 năm.
“Hồi xưa mình lấy vợ sớm chứ có biết gì đâu, giờ biết là khổ nhưng vợ đẻ thì vẫn cứ đẻ, dự tính đẻ 9 đứa mới ngừng. Nay 2 đứa con đầu của mình cũng lập gia đình sớm, nó bảo thích thì phải tổ chức cưới thôi”, anh Lép hồn nhiên nói.
 
Do lấy vợ sớm, sinh con nhiều nên nhiều năm nay hộ anh Rmah Lép vẫn bị cái nghèo đeo bám.
Từ lúc lúc cưới vợ đến nay, gia đình anh Lép luôn sống quay quắt trong cảnh nghèo, đói… và những đứa con cứ được “sản xuất” đều đều, đứa nhỏ nhất nay mới tròn 4 tháng. Do nghèo, ngay cả căn nhà tử tế anh cũng không dựng nổi, may được Nhà nước xây cho hộ nghèo mới có chỗ tránh mưa, nắng. Hiện nhà anh Lép chỉ có 2,5 sào cà phê, làm ít lúa để có thêm cái ăn. Mỗi tháng anh chỉ đi làm thuê khoảng 6 ngày, thời gian còn lại ở nhà hoặc chăm mấy cây cà phê, vợ ở nhà chăm con và đẻ.
Tương tự như gia đình anh Lép, chị Siu Plih (ở làng O Pếch) cũng bắt chồng từ thủa 14-15 tuổi. Năm nay chị 36 tuổi nhưng đã lên chức bà ngoại, đứa con gái thứ 2 tên Siu Hạnh cũng mới lấy chồng khi em mới qua tuổi 14. Hàng ngày chị Plih ở nhà vừa trông con, vừa trông luôn cháu cho con gái đi làm. Chị Plih bảo: “Con Hạnh nó mới lấy chồng năm ngoái, năm nay đã 15 tuổi rồi. Nó bảo thích thì cưới chồng cho nó thôi, mình không có ngăn cấm”.
Nhìn gương mặt ngây thơ, nụ cười non nớt của Siu Hạnh khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng như chính cái tuổi của em. So với những bé gái khác, tuổi này vẫn cắp sách đến trường, mơ mộng… thì Siu Hạnh đã bắt đầu lo toan chuyện cái ăn cái mặc, sinh con đẻ cái cho nhà chồng.
“Em học tới lớp 3 đã nghỉ học rồi, mấy đứa bạn trong làng cũng đã đi lấy chồng hết nên em lấy chồng tuổi này cũng không sao. Em với chồng yêu nhau là cưới thôi, chuyện khác chưa nghĩ tới”, Hạnh bộc bạch.
Chuyện “bắt chồng, bắt vợ” sớm ở các bản làng từ đời ông bà, đến cha mẹ và nay đời con cũng không khác xưa. Với suy nghĩ của người trong cuộc “nó thích thì nó lấy” và việc lập gia đình sớm như là chuyện hiển nhiên mà không hề lo lắng. Thế là 1 hộ nghèo lại “sinh thêm” nhiều hộ nghèo nữa và câu chuyện buồn thế hệ cứ thế đeo bám dai dẳng không thôi.
Không biết mình phạm pháp?
Theo Bí thư xã Ia Pếch Siu Thunh: “Hàng năm xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nhưng nạn tảo hôn vẫn diễn ra. Cán bộ đi giảng giải, việc lập gia đình sớm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gia tăng đói nghèo…, bà con nghe nhưng không làm theo. Hàng năm, số vụ tảo hôn có giảm nhưng rất ít. Do các cặp lấy nhau chưa đủ tuổi nên không có đăng ký kết hôn và sau khi sinh con, xã phải tạo điều kiện làm giấy khai sinh cho trẻ em để được hưởng các quyền lợi. Năm 2016 xã có 23 cặp tảo hôn, năm 2017 có 7 cặp và đến năm 2018 lại tăng lên 24 cặp”.
 
Mới 15 tuổi, mặt còn non nớt nhưng Siu Hạnh đã "bắt chồng" đã gần 1 năm.
Chia sẻ câu chuyện tảo hôn, ông Nguyễn Văn Đính - Phó phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Ia Grai cho biết: Giai đoạn 2016-2018 toàn huyện có 395 cặp tảo hôn, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99,24%. So với toàn tỉnh thì ở huyện Ia Grai đứng thứ 5 về số vụ, việc tảo hôn thì người ta không biết đã vi phạm pháp luật và việc xử lý cũng rất khó khăn.
“Nguyên nhân tảo hôn là do ảnh hưởng của phong tục tập quán, tác động của phim ảnh không lành mạnh… dẫn đến các cặp đôi lấy nhau sớm. Hệ lụy do tảo hôn là rất lớn: Sức khỏe sinh sản không đảm bảo, học sinh bỏ học, gia tăng áp lực kinh tế xã hội, gây đói nghèo. Để hạn chế nạn tảo hôn, huyện đã triển khai rất nhiều đề án, mô hình đến tận các thôn làng. Đồng thời xây dựng nhiều hương ước, quy ước để răn đe, thậm chí đưa tuyên truyền vào các giờ ngoại khóa ở trường học rồi nhưng hàng năm vẫn diễn ra tảo hôn”, ông Đính nói.
Tảo hôn là phạm pháp, hậu quả nhãn tiền nhưng ngăn chặn triệt để là một câu chuyện khác. Theo bà Dương Thị Mộng Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai: “2 đến 3 năm nay vấn đề tảo hôn trở nên nóng bỏng trên địa bàn. Hội đã thành lập nhiều câu lạc bộ “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” đi xuống tận cơ sở và bước đầu có chuyển biến tích cực. Thông qua các câu lạc bộ, Hội tổ chức nhiều buổi gặp mặt, tuyên truyền cho các bà mẹ có con em dưới 18 tuổi không được lấy vợ, lấy chồng sớm, tảo hôn là vi phạm pháp luật. Việc trẻ chưa đủ tuổi mà lập gia đình, sinh con thì trước mắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ lẫn trẻ em, vi phạm pháp luât về hôn nhân và lâu dài ảnh hưởng nề về kinh tế - xã hội, hạnh phúc gia đình. Theo tôi, để ngăn chặn nạn tảo hôn thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương ban ngành phải có trách nhiệm”.
Lê Kiến (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm