Giáo dục

Tin tức

Gia Lai phấn đấu trở thành "điểm sáng" giáo dục ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 4-12, tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku.

Tích cực triển khai

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đã báo cáo tóm tắt về tình hình GD-ĐT của tỉnh nói chung và công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nói riêng trên địa bàn thời gian qua. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngành GD-ĐT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh bám sát thực tế, cụ thể hóa những chủ trương của Trung ương và địa phương; xây dựng các biện pháp tích cực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD-ĐT phát động.

Toàn tỉnh hiện có 760 trường mầm non và phổ thông; quy mô mạng lưới không ngừng được mở rộng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có năng lực và chuyên môn vững vàng; toàn ngành hiện có 22.880 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 5 tiến sĩ và 530 thạc sĩ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 89%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,9%, cấp THCS đạt 91,5% và THPT đạt 52%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,13%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của tỉnh ngày càng được nâng lên. Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi và chất lượng giải tăng lên đáng kể; tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh cũng tăng bền vững (năm học 2019-2020 đạt 97,57%). Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quan tâm chú trọng. Hoạt động quản lý dạy học ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ngày càng đi vào nề nếp.

Về tình hình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: Bên cạnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục tuyên truyền, giới thiệu Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương; giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục trong việc lập kế hoạch giáo dục của nhà trường; đồng thời tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Sở GD-ĐT cũng đã triển khai biên soạn tài liệu giáo dục kiến thức địa phương lớp 1 và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa để triển khai thực hiện trên địa bàn theo đúng quy trình; chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gợi ý thảo luận tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Thảo luận tại buổi làm việc, hầu hết các thành viên trong đoàn công tác đều cho rằng, Gia Lai một tỉnh miền núi với diện tích rộng và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông nhưng vẫn duy trì khá tốt chất lượng giáo dục đại trà, một số mặt giáo dục mũi nhọn cũng đã có nhiều khởi sắc; tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở các cấp học tương đối cao. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Tháo gỡ khó khăn

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể: hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều trường tiểu học xây dựng đã lâu năm nên phòng học đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa.

“Hiện toàn tỉnh còn thiếu 1.255 phòng học, chỉ mới đạt tỷ lệ 0,93 phòng/lớp; nhiều trường chưa đủ 1 phòng/1 lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thiếu phòng học chức năng. Biên chế giáo viên đang thiếu trầm trọng do thực hiện việc cắt giảm 10% theo lộ trình trong khi quy mô trường lớp ngày càng phát triển. Điều này dẫn đến các trường học phải dồn ghép lớp, nhiều trường có lớp học vượt quá định mức cho phép theo quy định nên việc triển khai các hoạt động giáo dục, nhất là Chương trình Giáo dục phổ thông mới gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, do biên chế ưu tiên cho giáo viên đứng lớp nên hiện nhiều trường không có hoặc có ít nhân viên, không đảm bảo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đều là đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên, khả năng thực hiện xã hội hóa giáo dục còn hạn chế...”-ông Lê Duy Định thông tin.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, Giám đốc GD-ĐT đã đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ ưu tiên bổ sung đủ biên chế giáo viên, nhân viên cho tỉnh đảm bảo định mức, trước mắt cho phép hợp đồng lao động đối với giáo viên còn thiếu, tăng biên chế giáo viên cho các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tham mưu với Chính phủ cấp ngân sách từ nguồn vốn của Trung ương để tỉnh Gia Lai sớm phê duyệt kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; quan tâm phân bổ kinh phí cho tỉnh thông qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ để kiên cố hóa cơ sở vật chất trường, lớp học, phát triển đội ngũ, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là phát triển mô hình trường bán trú; quan tâm, đề xuất Tập đoàn Viettel hỗ trợ ưu đãi miễn phí cấp tài khoản bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Đại diện lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình về một số nội dung liên quan đến ngành mà thành viên đoàn công tác còn vướng mắc. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, trong đó có việc bổ sung đủ định mức biên chế giáo viên cho tỉnh theo quy định. Về phía tỉnh cũng sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tích cực triển khai nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới trong thời gian đến. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở GD-ĐT rà soát lại các đề án, xác định lại thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư theo lộ trình; cố gắng đề ra những giải pháp để gỡ khó trong khả năng của mình thông qua con đường tự chủ, xã hội hóa. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những kết quả mà ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã đạt được trong bối cảnh còn gặp khó khăn, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của ngành GD-ĐT cả nước. Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục trực thuộc Bộ tiếp tục dành sự quan tâm cho giáo dục Gia Lai, phối hợp cùng với địa phương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để tỉnh đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Chính quyền địa phương cũng cần linh hoạt giải quyết những khó khăn này trong khi đợi giải pháp, hướng dẫn từ Trung ương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy và xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng phải hiệu quả, tránh thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm. Sở GD-ĐT cần phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, xây dựng mô hình để phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, đồng thời gắn liền các đề án về phát triển đội ngũ với công tác đào tạo sư phạm tại địa phương. Sở cũng cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về trang bị cơ sở vật chất để phục vụ nhiệm vụ đổi mới giáo dục, trước mắt là ưu tiên đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021 và lớp 2, lớp 6 trong năm 2021-2022. Các địa phương cũng cần tránh việc chạy theo nông thôn mới dẫn đến “nợ” trường đạt chuẩn quốc gia...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh không được chủ quan, tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên...

“Tôi tin rằng, phát huy những thành tựu đã đạt được, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nền giáo dục của tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển, phấn đấu trở thành điểm sáng ở khu vực Tây Nguyên”-Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (thứ 3 từ trái sang) trao tặng 20 bộ máy vi tính cho Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đến thăm, động viên tinh thần và tặng 20 bộ máy vi tính cho thầy-trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) với tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng.


HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm