(GLO)- Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện giúp các nạn nhân và gia đình vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có trên 6.000 người bị nhiễm trực tiếp và gần 7.000 người nhiễm gián tiếp, gần 500 người thuộc thế hệ thứ 3. Đa số nạn nhân đều có độ tuổi tương đối cao, sức yếu; nhiều gia đình có con, cháu bị dị dạng, dị tật, không thể tự chăm sóc bản thân, tự chủ sinh hoạt hàng ngày. Đây là những hoàn cảnh khó khăn rất cần sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng.
Theo ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: “Để phần nào bù đắp những thiệt thòi mà gia đình các nạn nhân đang gánh chịu, Hội luôn tích cực thực hiện chế độ, chính sách dành cho nạn nhân da cam/dioxin. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm sức khỏe, khả năng lao động mà các nạn nhân được hưởng mức trợ cấp khác nhau. Cùng với đó, Hội nỗ lực vận động các nguồn lực để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả dành cho gia đình các nạn nhân”.
Với khả năng lao động hạn chế do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam song những năm qua, nhiều nạn nhân và gia đình đã vận dụng có hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ. Ông Huỳnh Minh Chính (SN 1957, ở thôn 3, xã Nghĩa An, huyện Kbang) là cựu chiến binh đồng thời là nạn nhân da cam. Năm 2019, ông Chính bắt tay vào chăn nuôi nhưng thiếu vốn đầu tư chuồng trại. Nắm bắt được nhu cầu của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tạo điều kiện cho ông Chính vay 10 triệu đồng.
“Ngoài việc được cho vay không tính lãi, gia đình tôi còn được Hội thường xuyên thăm hỏi tình hình để kịp thời có sự trợ giúp. Nghề này cũng không đòi hỏi nhiều sức lao động nên phù hợp với những người thương tật như tôi. Cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi mua gà và bò giống về nuôi nhằm tận dụng lúa, bắp, phụ phẩm từ cây trồng khác trong vườn làm thức ăn cho vật nuôi”-ông Chính bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn chăn nuôi, sản xuất cho gia đình ông Huỳnh Minh Chính và chị Đinh Thị Luyết (huyện Kbang). Ảnh: Hà Phương |
Cũng được vay 10 triệu đồng không lãi suất từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh là trường hợp của chị Đinh Thị Luyết (SN 1991, ở làng Srắt, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Nhờ vậy, chị Luyết có vốn buôn bán bánh kẹo, nước giải khát để kiếm sống. “Cả đời tôi không bao giờ dám mơ ước có được số vốn để kinh doanh mua bán như thế này. Tôi rất biết ơn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã luôn quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân như tôi”-chị Luyết tâm sự.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động được gần 1,2 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng 2.693 suất quà (trị giá trên 1,3 tỷ đồng) cho các nạn nhân chất độc da cam; thăm, tặng 1.529 suất quà (trị giá gần 534 triệu đồng) nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8); cho vay 122 triệu đồng không lãi suất giúp hội viên phát triển sản xuất; nuôi dưỡng tại cộng đồng 20 cháu là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tổ chức xông hơi, giải độc 4 đợt cho 78 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cán bộ tham gia kháng chiến.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, Hội còn tích cực chăm lo về tinh thần cho các hội viên như: tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ khi ốm đau... Thông qua Hội, nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm còn thường xuyên hỗ trợ bằng nhiều hình thức như dạy nghề, tạo việc làm đối với những nạn nhân còn khả năng lao động.
“Thời gian tới, Hội sẽ nỗ lực đổi mới phương thức hỗ trợ để chăm lo đời sống hội viên tốt hơn. Các cấp Hội cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các nạn nhân da cam. Mặt khác, tiếp tục rà soát danh sách gửi cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận và chi trả trợ cấp cho các nạn nhân trực tiếp cũng như gián tiếp, góp phần chia sẻ, giúp vơi đi phần nào nỗi đau mà các nạn nhân đang phải đối mặt”-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết thêm.
HÀ PHƯƠNG