Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Gia Lai siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp khi hoạt động livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh.

Do đó, ngành chức năng đang siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng để vừa tránh thất thu thuế, vừa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Chống thất thu thuế trong livestream bán hàng

Hiện nay, việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, tài khoản thanh toán của người nộp thuế… giữa các bộ, ngành đã triển khai và đạt kết quả bước đầu. Nhờ đó, doanh thu nộp thuế từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) cũng tăng theo từng năm.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2022, ngành Thuế thu được 83.000 tỷ đồng; năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và trong 5 tháng đầu năm 2024 thu được 50.000 tỷ đồng. Hiện nay, 96 nhà cung cấp nước ngoài và các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok... đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới với số tiền 15.600 tỷ đồng.

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng (ảnh đơn vị cung cấp).

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng (ảnh đơn vị cung cấp).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc nâng cao năng lực quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT và tiếp tục mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, ngày 4-6-2024, Tổng cục Thuế có Công điện số 01/CĐ-TCT yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm... đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ...

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh-kiểm tra đối với loại hình nêu trên. Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, Tổng cục Thuế đã có các văn bản chỉ đạo triển khai việc hướng dẫn các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP; đôn đốc các sàn TMĐT gửi dữ liệu đúng quy định; khai thác và xử lý dữ liệu từ cổng thông tin TMĐT; chủ động khai thác dữ liệu về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT toàn quốc từ kho dữ liệu tập trung; thu thập, rà soát, tổng hợp, làm giàu cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT.

Tại Gia Lai, Cục Thuế tỉnh đã quyết liệt triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ông Cáp Thái An-Trưởng phòng Hộ kinh doanh cá nhân (Cục Thuế tỉnh) cho biết: “Cục Thuế giao Phòng Hộ kinh doanh cá nhân làm đầu mối thực hiện khai thác dữ liệu từ kho cơ sở dữ liệu tập trung của ngành Thuế. Định kỳ hàng quý, Phòng gửi danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.

Trên cơ sở danh sách đó, các chi cục thuế chỉ đạo các đội thuế rà soát, đối chiếu tình hình khai thuế nộp thuế, có thông báo đến người nộp thuế trong danh sách đề nghị thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định; ưu tiên việc hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tự giác thực hiện các nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước đúng quy định. Thông qua công tác rà soát, đối chiếu cơ sở dữ liệu, trường hợp phát hiện các dấu hiệu rủi ro, chi cục thuế yêu cầu người nộp thuế thực hiện giải trình, cung cấp các hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế”.

Bà Phạm Thị Bích-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-thông tin: “Từ nguồn dữ liệu khai thác, chúng tôi chỉ đạo các đội thuế rà soát, đối chiếu các nguồn thông tin liên quan để yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT thực hiện việc kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng quy định. Hiện nay, Chi cục Thuế đã đưa vào quản lý thuế 30 hộ kinh doanh có hoạt động TMĐT, số thuế phát sinh nộp vào ngân sách trên 3 tỷ đồng”.

Cũng theo bà Bích: Mặc dù số lượng hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT theo danh sách rất nhiều nhưng đa phần có quy mô nhỏ lẻ, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm nên không thuộc diện kê khai, nộp thuế. Hiện có hơn 1.000 trường hợp như trên. Đối với các trường hợp này, Chi cục Thuế TP. Pleiku tiếp tục theo dõi, rà soát thông tin.

Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động livestream bán hàng, Chi cục Thuế TP. Pleiku đã chủ động thu thập các thông tin liên quan, khai thác đối chiếu dữ liệu, mời cá nhân có hoạt động livestream bán hàng làm việc để hướng dẫn thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Đến nay, Chi cục Thuế đã đưa vào quản lý thuế 8 cá nhân với số thuế phát sinh nộp vào ngân sách gần 4 tỷ đồng.

Kiểm soát hàng giả trên mạng xã hội

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường-cho hay: Sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Bởi nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Một đặc điểm của bán hàng trên mạng phổ biến là người bán không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, mua bán hàng không có hóa đơn chứng từ.

Người bán sử dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để chạy quảng cáo và livestream bán hàng. Người bán thường không mở các cửa hàng truyền thống mà chỉ nhập hàng về và livestream bán. Điều này gây khó khăn cho công tác trinh sát đối tượng vì địa điểm livestream bán hàng thường ở một nơi nhưng kho chứa hàng lại là một nơi khác.

Đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường đã kiện toàn tổ TMĐT với nhiệm vụ rà soát, nắm bắt và chuyển thông tin cho các đội quản lý thị trường thực hiện. Hiện tổ TMĐT đã rà soát thông tin của 20 cơ sở kinh doanh có hoạt động trên nền tảng TMĐT; trong đó đã có 12 thông tin của cơ sở được chuyển đến các đội và triển khai làm hiệu quả với số tiền xử phạt hơn 300 triệu đồng.

Hàng hóa bán qua hình thức livestream chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, túi xách. Ảnh: Vũ Thảo

Hàng hóa bán qua hình thức livestream chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, túi xách. Ảnh: Vũ Thảo

Trong 5 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường đã xử phạt 20 vụ vi phạm liên quan đến TMĐT với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.

“Để nâng cao hiệu quả kiểm soát lĩnh vực TMĐT, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường hoặc các đơn vị Công an, Sở Thông tin và Truyền thông… trong việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong TMĐT.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của tổ TMĐT, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các công chức về các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng hoạt động TMĐT”-ông Hà cho biết thêm.

Với nhiệm vụ quản lý nhà nước, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Hiện nay, tỷ trọng doanh thu TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt khoảng 7%.

Thời gian qua, Sở Công thương đã tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.

Theo ông Đỗ Văn Hưng-Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương), từ ngày 1-7-2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến một số hành vi bị cấm, quy định bồi thường thiệt hại, phương thức giải quyết tranh chấp… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số.

Luật mới sẽ giải quyết được những tồn tại trong rất nhiều năm đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần hiểu rõ và lựa chọn hàng hóa phù hợp, bảo vệ thông tin cá nhân không để bị lợi dụng sơ hở, nhất là trong lĩnh vực thanh toán; nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ quyền lợi của mình trên môi trường trực tuyến.

Có thể bạn quan tâm