Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Toàn tỉnh có hơn 550 ngàn ha cây trồng các loại. Theo đó, nhu cầu vật tư nông nghiệp rất lớn. Mỗi năm, tỉnh cần khoảng 3,5 triệu tấn phân bón, trên 1.500 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 9.000 tấn lúa giống, hơn 800 tấn bắp giống, 900 triệu hom mì giống, 245 triệu hom mía giống và nhiều loại giống cây trồng khác.

Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, công tác quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp luôn được ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV vẫn xảy ra. Đặc biệt, việc kinh doanh giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất giống cây trồng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất.

Cục Quản lý thị trường tỉnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Ảnh: Lê Nam

Cục Quản lý thị trường tỉnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Tiến Sỹ-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh có 803 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; 135 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 69 cơ sở kinh doanh thuốc thú y; 242 cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống. Năm 2022, Thanh tra Sở đã tổ chức 5 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 465 cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra, đơn vị đã xử phạt hành chính 74 cơ sở với tổng số tiền 306,65 triệu đồng.

“Các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp thường vi phạm các lỗi như: buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; buôn bán hàng hóa mà trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật; buôn bán thuốc BVTV chung với thuốc y tế...”-ông Sỹ cho hay.

Huyện Krông Pa có 64 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm 2022, cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra tại 21 cơ sở thì có 9 cơ sở vi phạm và bị xử phạt 23,5 triệu đồng. Ngoài việc kiểm tra, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật.

“Năm 2023, UBND huyện tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, tập trung vào hoạt động buôn bán và vận chuyển giống mì nhằm kiểm soát nguồn giống, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra đối với cây trồng”-ông Châu thông tin thêm.

Tương tự, huyện Chư Păh hiện có 57 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; 9 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 6 cơ sở kinh doanh thuốc thú y; 51 cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Công Sơn cho hay: Phòng vừa thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đưa việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV có đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và mua tại các đại lý, cơ sở kinh doanh uy tín.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây trồng ở xã Nghĩa Hòa. Ảnh: Lê Nam

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây trồng ở xã Nghĩa Hòa. Ảnh: Lê Nam

Còn theo ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế thị xã An Khê: Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, UBND thị xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, điều kiện an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản đến các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để quản lý tốt việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học để bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái; vận động nông dân tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón và các chế phẩm sinh học”.

Có thể bạn quan tâm