Xã hội

Gia Lai : Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí , đổi mới tuyên truyền về an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 6-1, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh-Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông-Phó Trưởng ban ATGT tỉnh; các thành viên Ban ATGT và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng vừa phải phòng-chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tốt. Cả nước đã kéo giảm sâu 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2020. Cụ thể, từ ngày 15-12-2020 đến 14-12-2021, cả nước xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, TNGT giảm 3.496 vụ TNGT (giảm 23,32%), giảm 1.068 người chết (giảm 15,55%), giảm 3.143 người bị thương (giảm 28,16%).
Cũng trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đã xử lý 2.776.242 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2.704,5 tỷ đồng. Trong số này có 161.324 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.802 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, 35.592 trường hợp chở hàng quá tải, 252.936 trường hợp chạy quá tốc độ quy định... Đáng lưu ý, cả nước đã xảy ra 44 vụ chống người thi hành công vụ, làm 9 Cảnh sát Giao thông bị thương.

Điểm cầu tỉnh Gia Lai Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2021. Ảnh: Lê Hòa
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Tại Gia Lai, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tính từ ngày 15-12-2020 đến 14-12-2021, toàn tỉnh xảy ra 306 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 255 người. So với năm 2020, TNGT giảm 9,47% số vụ, giảm 3,24% số người chết, giảm 16,39% số người bị thương. Gia Lai là 1 trong 55 tỉnh, thành phố được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh biểu dương vì có số người chết do TNGT giảm so với năm 2020. 
8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Năm ATGT 2022
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao; các địa phương đã vào cuộc nghiêm túc trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. “Việc chọn và xác định chủ đề Năm ATGT 2021 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT” đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự ATGT; đồng thời tạo thế chủ động trong điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực hiện quy định và chỉ đạo về phòng-chống dịch Covid-19”-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá.
Trong đó, phải kể đến đóng góp của lực lượng Công an với việc thực hiện hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT gắn với phòng-chống dịch Covid-19. Bộ Giao thông-Vận tải đã chú trọng công tác đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT… Đồng thời, quản lý chặt chẽ các điều kiện về ATGT đối với hoạt động vận tải; chủ động, kịp thời phối hợp với các ngành, địa phương ban hành quy định, hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông-vận tải an toàn, thích ứng với các cấp độ phòng-chống dịch Covid-19…
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát động Năm ATGT 2022 với chủ đề: “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2022 dự lường là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đề ra 4 mục tiêu trong Năm ATGT 2022, trong đó trọng tâm là kéo giảm TNGT 5-10% cả về số vụ, số người chết, số người bị thương và không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong hoạt động giao thông-vận tải…
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) lập biên bản xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Nguyễn Hữu
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) lập biên bản xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Nguyễn Hữu
Để đạt mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông-vận tải. Tái cơ cấu vận tải, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Tích cực xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông-Vận tải, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông. 
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số. “Từ hệ thống các đài Quốc gia, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương phải xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục với nội dung phong phú, hấp dẫn về ATGT để truyền thông sâu rộng đến nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT. Các cơ quan, ban ngành, địa phương chú trọng phát động cuộc thi tìm hiểu về ATGT để tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật đến cán bộ, công nhân viên, hội viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình”-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo.
LÊ HÒA 

Có thể bạn quan tâm