Gia Lai: Tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong các đợt đi cơ sở cũng như tham gia các buổi đối thoại giữa đoàn viên thanh niên (ĐVTN) với cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm là một trong những vấn đề mà ĐVTN quan tâm kiến nghị, đề xuất nhiều nhất.

Để giải quyết nhu cầu chính đáng của ĐVTN, thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã chủ động tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, việc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm thanh niên TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Tiếp sức người lao động và ngày hội việc làm năm 2018 đã giúp các ĐVTN trong tỉnh được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ, năng lực, sở thích. Kết quả, đến nay đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 20 ĐVTN trên địa bàn các huyện: Chư Sê, Phú Thiện…

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Bên cạnh việc kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên website, trang fanpage Tỉnh Đoàn theo các phiên giao dịch việc làm định kỳ. Nhờ kênh thông tin của Đoàn mà hàng ngàn ĐVTN đã tiếp cận nhanh chóng với thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ đồng hành của tổ chức Đoàn, các ĐVTN khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã linh động, tự liên hệ với các doanh nghiệp hoặc qua mối quan hệ quen biết để nộp hồ sơ xin việc vào các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

Có việc làm ổn định đồng nghĩa với việc ĐVTN đã giải quyết được nhu cầu về thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, việc ĐVTN đi làm ăn xa đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả duy trì sinh hoạt chi đoàn, chi hội hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Hoa-Bí thư Đoàn xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Đến ngày sinh hoạt chi đoàn, Bí thư chi đoàn các làng chỉ vận động, tập hợp được từ 3 đến 5 đoàn viên nên khá khó khăn trong việc triển khai các phong trào tại địa phương, đặc biệt là các phong trào tình nguyện, hoạt động gây quỹ Đoàn”. Thực trạng thiếu ĐVTN ở các chi đoàn còn gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động do Đoàn cấp trên tổ chức như: hội trại, hội thi, tập huấn… Bằng việc lựa chọn sinh hoạt ghép 2 chi đoàn, thậm chí 3 chi đoàn, các địa phương mới tạm khắc phục thực trạng thiếu đoàn viên sinh hoạt, song đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời.

Để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, thời gian đến, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với nhu cầu, năng lực, sở thích của ĐVTN, đồng thời tạo điều kiện về vốn vay để họ lập nghiệp ngay tại địa phương; tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp tăng cường đầu tư kinh doanh tại địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương. Các cấp bộ Đoàn thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng, nhu cầu của thanh niên tại địa phương về nghề nghiệp, việc làm, qua đó kết nối với các doanh nghiệp giải quyết việc làm kịp thời cho thanh niên.

H’yuên

Có thể bạn quan tâm