Theo đó, tối 9-2, trên địa bàn xã Hbông (huyện Chư Sê) xảy ra vụ cháy khoảng 21 ha mía của 15 hộ dân. Ngoài ra, tình trạng mía cháy tại vùng nguyên liệu phía Đông Nam tỉnh năm 2023 còn có dấu hiệu bất thường hơn so với mọi năm, quy mô cháy lớn và liên tục. Tính đến nay, toàn vùng Đông Nam tỉnh có khoảng 250 ha mía cháy, tăng gấp 5 lần so với vụ mía 2022.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Chư Sê bố trí lực lượng hỗ trợ các hộ dân có diện tích mía bị cháy để thu hoạch số lượng mía còn lại và yêu cầu Nhà máy đường Ayun Pa ưu tiên thu mua ngay cho người dân. Khẩn trương kiểm tra, báo cáo cụ thể tình hình mía cháy trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo Công an huyện tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân mía cháy, xử lý nghiêm các đối tượng đốt mía (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Nhiều nông dân xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) bị thiệt hại nặng nề do mía cháy. Ảnh: Hà Phương |
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường tổng hợp, báo cáo cụ thể tình hình mía cháy trên địa bàn từ đầu năm 2023 đến nay và kết quả chỉ đạo, xử lý; gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 14-2-2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đoàn thể, chính quyền cơ sở, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng-chống cháy mía trong mùa khô; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; thông báo cho chủ mía liền kề và chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.
Kiểm tra, giám sát và yêu cầu các công ty, các nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân theo hợp đồng trồng mía mà nhà máy đã ký kết đầu tư; chỉ đạo phương thức thu mua, đảm bảo trật tự, an toàn cho vùng nguyên liệu mía, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía và nhà máy, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu mía trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh khẩn trương, ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng-chống cháy mía trong mùa khô. Xây dựng phương án và tổ chức thu mua mía, chế biến khoa học, kịp thời, đúng thời điểm mía chín; công khai minh bạch trong xác định đúng chữ đường và tạp chất; thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân.
Mía cháy trên cánh đồng xã Ia Piar, huyện Phú Thiện. Ảnh: Văn Ngọc |
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người trồng mía và người dân canh tác nông nghiệp ở khu vực lân cận các ruộng mía thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhất là vào các tháng mùa khô. Trên cơ sở kết quả báo cáo của các địa phương, Sở tổng hợp cụ thể tình hình mía cháy trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) và đề xuất các giải pháp để tiếp tục chỉ đạo đảm bảo hiệu quả, thiết thực; gửi về UBND tỉnh trước ngày 16-2-2023.
Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy mía và thiệt hại do cháy mía gây ra; đưa tin về việc xử lý các đối tượng đốt mía tại các địa phương để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng cháy mía và tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy khi sản xuất trong các tháng mùa khô nói chung, trong đó có phòng-chống cháy mía.