Ngày hội có sự tham gia của 5 tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, đoàn Gia Lai tham gia cả 8 nội dung chính của Ngày hội gồm: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Nguyên, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Hoạt động thể thao quần chúng; Hoạt động du lịch.
Đoàn nghệ nhân Jrai (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tập luyện để tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngoài các hoạt động do Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Chư Păh thực hiện, đoàn nghệ nhân Jrai xã Ia Phí (huyện Chư Păh) sẽ tham gia tái hiện lễ cúng giọt nước của người Jrai tại Ngày hội.
Đây là dịp để Gia Lai giới thiệu, quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đến bạn bè trong khu vực và cả nước; đồng thời giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức, bảo tồn các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I sẽ diễn ra lúc 20 giờ 10 phút ngày 29-11 và lễ bế mạc diễn ra vào 20 giờ 10 phút ngày 1-12 tại Quảng trường 16-3 (TP. Kon Tum).