Thời sự - Sự kiện

Gia Lai tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chiều 7-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã chủ trì buổi làm việc với UBND các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro và thị xã Ayun Pa về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, công tác thu ngân sách năm 2024. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Tổ công tác số 4 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024) cho biết: Tổng kế hoạch vốn năm 2024 giao cho huyện Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro, thị xã Ayun Pa và Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Chi cục Kiểm lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là hơn 533,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, các chủ đầu tư có khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân thấp. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân của huyện Kông Chro mới đạt 18%, Krông Pa đạt 14,79%, Ia Pa đạt 10,96%, thị xã Ayun Pa đạt 5,22%, Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 0,03%, Chi cục Kiểm lâm đạt 1,03%. Các đơn vị còn lại chưa có khối lượng thực hiện lẫn giá trị giải ngân.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu vướng mắc của các địa phương: Dự án đường vành đai 1 (quốc lộ 25-cầu Ia Hiao), UBND thị xã Ayun Pa đã có tờ trình về việc thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2030 (điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đường vành đai 1), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác thực hiện các thủ tục pháp lý để tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, UBND thị xã có cơ sở triển khai các bước tiếp theo nhằm đảm bảo khả năng thực hiện, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: M.N

Đối với Dự án quy hoạch huyện Ia Pa, địa phương này cũng kiến nghị tỉnh sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua. Dự án được bố trí vốn từ năm 2021 đến 2023 nhưng do vướng địa giới hành chính nên trong quá trình triển khai thực hiện lập nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng trung tâm huyện Ia Pa và khu vực vùng phụ cận huyện Ia Pa đến năm 2035 gặp rất nhiều khó khăn, phải điều chỉnh, sửa đổi phương án nhiều lần.

Tương tự, dự án đường nội thị giai đoạn 2021-2025 của huyện Krông Pa cũng đang vướng mắc. Theo kế hoạch vốn, huyện được phân bổ 80 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2026. Tuy nhiên, do hụt nguồn thu nên đến nay, UBND tỉnh chưa giao kế hoạch vốn để triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh xem xét cân đối nguồn ngân sách tỉnh phân bổ vốn để huyện triển khai thi công các tuyến đường nội thị, đặc biệt là tuyến đường Tô Vĩnh Diện nằm trong khu dân cư của người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, UBND các huyện Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa cũng xin kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024 để tiếp tục thanh toán khối lượng một số hạng mục công trình phát sinh đã được tỉnh cho phép điều chỉnh thiết kế và dự toán dự án đường giao thông nội thị, đường liên xã nhằm đảm bảo nguồn vốn hoàn thành dự án. Đối với dự án đường nội thị huyện Ia Pa và đường nội thị thị trấn Kông Chro, các huyện đề nghị Sở Tài chính sớm cấp kinh phí còn thiếu để thanh toán cho dự án, thực hiện giải ngân và triển khai các bước tiếp theo.

Trên lĩnh vực TN-MT, UBND huyện Ia Pa kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch mỏ đất trên địa bàn huyện để thuận lợi trong việc khai thác tài nguyên đất phục vụ san lấp các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của huyện.

Theo địa phương này, việc tìm mỏ đất đưa vào hồ sơ dự án đang gặp khó do trên địa bàn chưa được cấp phép mỏ đất. Mặt khác, tìm ra mỏ đất thì không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất, không thỏa thuận được đường vận chuyển nên phải điều chỉnh vị trí nhiều lần, làm kéo dài thời gian lấy ý kiến của Sở TN-MT dẫn đến chậm tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án. Ngoài ra, mỏ đất đã đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nhưng vướng về cơ chế chưa bàn giao cho địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2023 và 2024. Nhưng đến nay, nguồn vốn chỉ mới phân bổ 120 triệu đồng trong khi thời gian thực hiện đến hết năm 2024 nên không thể hoàn thành dự án.

Do vậy, Sở TN-MT đề xuất tỉnh cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2024 và 2025; đồng thời điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 để triển khai thực hiện dự án. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án bảo vệ và phát triển rừng để tháo gỡ vướng mắc, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Liên quan đến việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các sở, ngành, địa phương đề nghị cấp kinh phí để triển khai thực hiện các dự án liên quan; đồng thời, tháo gỡ ách tắc đối với các nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, việc thiếu mỏ đất san lấp, phân bổ vốn từ nguồn sử dụng đất…

Lý giải về kết quả thu tiền chuyển quyền sử dụng đất và bán đấu giá đất trên địa bàn đạt thấp, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Đến thời điểm này, huyện chỉ mới thu được hơn 1,8 tỷ đồng, đạt 17% dự toán tỉnh giao. Điều này ảnh hưởng đến nguồn kinh phí bố trí cho kế hoạch vốn của các công trình đầu tư công từ nguồn sử dụng đất.

“Đến nay, tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện nên một số hộ dân đã đăng ký chuyển mục đích đất trong năm chưa thể thực hiện. Đề nghị Sở TN-MT sớm trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện các quy định về giá đất. Nếu kế hoạch sử dụng đất của huyện sớm phê duyệt thì khả năng nguồn thu từ tiền sử dụng đất hơn 18 tỷ đồng sẽ đảm bảo hoàn thành theo dự toán đề ra”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nêu rõ.

Do nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện còn đạt thấp. Ảnh: Hà Du

Do nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện còn đạt thấp. Ảnh: Hà Du

Liên quan đến kiến nghị kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024, ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: Đối với nguồn vốn của tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp mới đây. Sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở sẽ có thông báo hướng dẫn các địa phương làm cơ sở giải ngân nguồn vốn này. Đối với nguồn ngân sách của trung ương, khi có thông báo, Sở sẽ tham mưu tỉnh để hướng dẫn thực hiện.

Đối với tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các địa phương liên quan còn chậm, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lương Thanh Bình khẳng định: Đơn vị đã sớm triển khai kế hoạch này cho các địa phương từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương không làm theo hướng dẫn đã thống nhất nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Mặt khác, các địa phương cũng lưu ý việc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để lập quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện đề ra; đồng thời khẩn trương hoàn thành nội dung điều chỉnh để Sở tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Tỉnh sẽ sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Ia Pa và Krông Pa. Đề nghị các địa phương này sớm có phương án đấu giá, đấu thầu, chuyển quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo các nguồn thu đề ra.

Riêng công tác giải ngân, các sở, ngành đã có hướng dẫn cụ thể, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính, Sở TN-MT sớm triển khai các phương án đấu giá tiền sử dụng đất đối với một số dự án của tỉnh, đồng thời xem xét cân đối nguồn thu này cho huyện Krông Pa để triển khai dự án đường nội thị đang cần hỗ trợ vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, huyện Ia Pa đã được Trung ương bố trí ngân sách 150 tỷ đồng để thực hiện dự án xây kè chống sạt lở, đồng thời, tỉnh cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại một số khu vực trên địa bàn. Do vậy, huyện cần chủ động phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện.

Đây là dự án về an sinh xã hội chỉ triển khai thực hiện trong năm 2024, hết thời điểm này, nếu dự án không hoàn thành sẽ bị ngắt vốn nên huyện cần quyết tâm, quyết liệt phối hợp đồng bộ với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, trước tiến độ giải ngân thấp, các sở, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng của một số địa phương cũng như kế hoạch sử dụng đất để kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.

“Đề nghị các sở, ngành hỗ trợ các địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong thời gian tới”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm