Văn hóa

Gia Lai: Thêm 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có các Quyết định số 566/QĐ-UBND, 567/QĐ-UBND, 568/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh lần lượt với quần thể di tích ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An, Miếu An Tân và Đình Cửu Định (thị xã An Khê).

1. Quần thể di tích ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An bao gồm cụm 6 di tích: khu sản xuất lương thực nghĩa quân Tây Sơn, Chợ Phiên-Trạm Gò, miếu An Điền Nam (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An), miếu An Phước, miếu An Bình (tổ dân phố 3, phường An Phước), miếu An Thạch (thôn An Thạch, xã Xuân An). Quần thể di tích có tổng diện tích trên 8.700 m2. Đây là những di tích có mối quan hệ lịch sử gắn bó mật thiết với nhau tạo thành một quần thể vừa có tính kế thừa vừa có tính thống nhất.

Di tích Chợ Phiên-Trạm Gò. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Di tích Chợ Phiên-Trạm Gò. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Quần thể di tích này cũng là những căn cứ khoa học chứng minh lịch sử khai hoang lập ấp, lịch sử di dân, định cư, giao thương của người Kinh ở An Khê trong thời gian 250 năm, từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đồng thời có mối liên hệ mật thiết với quần thể di tích “Ấp Tây Sơn Nhất-An Khê”. Hai quần thể này đều nằm trên vùng đất được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ tiền khởi nghĩa cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vĩ đại năm 1771.

Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, đến nay các di tích này vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị bằng nhiều hình thức như đặt tên các địa danh, duy trì và thực hành tín ngưỡng truyền thống, kiến tạo và trùng tu các di tích. Chứng tỏ các di tích mang giá trị, ý nghĩa trong đời sống văn hóa của cư dân sinh sống trên vùng đất này.

2. Di tích miếu An Tân thuộc tổ 2, phường An Tân có diện tích trên 3.500 m2. Đây là nơi ghi dấu quá trình khai hoang lập làng của cư dân thôn An Khê xưa, là trung tâm tín ngưỡng của các cư dân thuộc vạn An Tân cũ và phường An Tân ngày nay. Vị thần chủ được thờ phụng tại đây là nữ thần nguồn gốc Champa, tôn hiệu Thiên Y A Na. Ngoài ra, còn có các vị thần: Thành hoàng (thần bảo hộ xóm, làng), Cao Các nguyên quân (thần núi), Bạch Mã thái giám (thần ban sức khỏe, may mắn), Sơn quân (thần Hổ), Tiêu Diện (thần cai quản các âm linh, cô hồn), Chúa Ngung man nương (các nữ thần người Thượng nói chung)...

Miếu An Tân. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Miếu An Tân. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Hàng năm, miếu An Tân có các lễ cúng Khai sơn vào ngày 10-1 và cúng Quý Xuân 17-2 (âm lịch). Vào các ngày này, dân làng tập trung tại miếu làm lễ tạ ơn các vị thần linh đã che chở, bảo vệ cho xóm làng.

3. Di tích đình Cửu Định thuộc tổ 1, phường An Phước, có diện tích trên 1.460 m2. Đây là trung tâm tín ngưỡng của cư dân làng Cửu Định cũ. Ngoài 3 vị thần được chính quyền sắc phong công nhận là Thiên Y A Na, Thành hoàng và Thổ địa, các vị thần chính được người dân thờ phụng tại đây còn có các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công với làng, xã.

Đình Cửu Định. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Đình Cửu Định. Ảnh tư liệu Lưu Hồng Sơn

Các ngày lễ hội chính diễn ra tại đình là cúng Quý Xuân và Thanh Minh vào ngày 16-2, cúng Quý Thu vào ngày 16-8 (âm lịch). Trong đó, cúng Quý Xuân là sự kiện quan trọng nhất thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đình Cửu Định là minh chứng lịch sử quá trình di cư, tụ cư, chuyển cư, khai hoang lập làng từ những năm đầu thế kỷ XX của người Việt tại vùng đất An Khê.

Có thể bạn quan tâm