Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự chủ trì của các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Các đồng chí chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Ảnh: Lam Nguyên |
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thường trực các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh; các Hội, tổ chức chính trị-xã hội cùng các cơ quan báo chí địa phương, Trung ương thường trú trên địa bàn…
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng”. Lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền đã triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Gia Lai từng bước đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đến nay tỉnh cơ bản đáp ứng 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp được nêu trong Nghị quyết, từ đó từng bước xây dựng và hoàn thiện được khung thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh từ việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan Đảng, hệ thống chính trị đến doanh nghiệp và của cộng đồng khu dân cư.
Hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến; đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác và có nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Gia Lai với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh.
Phục dựng lễ mừng năm mới tại làng Krông Hra, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ảnh: Lam Nguyên |
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên. Hoạt động phục dựng, bảo tồn các lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Jrai, Bahnar được chú trọng, góp phần phát triển du lịch văn hóa như: Lễ bỏ mả, mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ thổi tai, lễ mừng nhà rông mới...
Toàn tỉnh có 32 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh qua 3 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã bố trí hơn 16 tỷ đồng để thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023-2025”, làm tiền đề cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tăng cường bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2019, nhiều nhà khoa học đến từ các nước: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Philippines đã giúp ngành văn hóa khai quật khảo cổ tại một số điểm trên địa bàn thị xã An Khê; tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế về di chỉ khảo cổ học đồ đá cũ An Khê.
Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát huy. Ảnh: Lam Nguyên |
Từ đây, văn hóa truyền thống được coi trọng và khơi dậy, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát huy; mức hưởng thụ văn hóa của người dân được nâng lên; nhận thức, ý thức của người dân ngày càng tăng như việc tuân thủ pháp luật, sự gắn kết cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, mối quan hệ hòa thuận, kỷ cương xã hội được đề cao. Văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện về nhân cách, thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, qua đó gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW như: Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng; hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa dù được đầu tư nhưng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công chức, viên chức ngành văn hóa chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa. Việc thụ hưởng văn hóa giữa vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số so với các khu vực trung tâm và giữa các tầng lớp Nhân dân còn có khoảng cách khá lớn.
Cùng với đó, sự mai một truyền thống văn hóa dân tộc đã và đang xảy ra; các yếu tố văn hóa mới xuất hiện, trong đó có yếu tố về tôn giáo khiến một số giá trị truyền thống trong cộng đồng thay đổi và dần mất đi. Công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống, hình thành các giá trị đạo đức mới vẫn còn một số mặt hạn chế. Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học đạt chuẩn văn hóa nhìn chung chưa tạo được mô hình tiêu biểu, rõ nét để nhân rộng…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên |
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu hàng đầu là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trọng tâm là đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức, lối sống trong sạch, tận tụy với nhiệm vụ được giao.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là ở thôn, làng nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú.
Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa-xã hội, giữa phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Mặt khác, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo tăng nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đối với khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa…
Tại hội nghị, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tham luận, thảo luận một số nội dung đáng chú ý như: Giải pháp phát triển văn hóa, con người Gia Lai trong giai đoạn hiện nay; phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Gia Lai; thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa trong kinh tế của khối các doanh nghiệp trực thuộc; giải pháp nâng cao mức đầu tư kinh phí cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới; những vấn đề đặt ra đối với công tác bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa hiện nay...
Chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam
Báo Gia Lai góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
27/03/2024