Theo đó, để thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện sớm và có biện pháp dự phòng, điều trị kịp thời các bệnh thường gặp, góp phần giảm tỉ lệ mắc bệnh, tật học đường và nâng cao sức khỏe cho học sinh, bảo đảm các điều kiện cho học sinh được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh.
Bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai khám sàng lọc sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Như Nguyện |
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học hoặc kiêm nhiệm công tác y tế trường học về phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tai nạn thương tích và dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho học sinh nói chung và các dấu hiệu của gù, vẹo cột sống nói riêng. Phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường. Tăng cường rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học phù hợp thực tế và đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh đối với trường trung học phổ thông theo quy định.
Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hướng dẫn việc rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trong các trường học phù hợp với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, các biện pháp phòng, tránh bệnh gù, vẹo cột sống cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khóa sắp xếp lịch học tập vui chơi giải trí, luyện tập thể thao hợp lý, hợp vệ sinh, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai công tác y tế trường học; phối hợp triển khai công tác kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh để phát hiện sớm các dấu hiệu của gù, vẹo cột sống. Phân công cán bộ thuộc trạm y tế cấp xã theo dõi công tác y tế trường học; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để thực hiện công tác y tế trường học đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là những cơ sở giáo dục không có nhân viên chuyên trách y tế trường học.
UBND các địa phương chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm nhiệm vụ y tế học đường, triển khai các chương trình y tế trong trường học, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên hàng năm; triển khai và nhân rộng các mô hình điểm liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, phối hợp giám sát phát hiện sớm tình trạng cong, vẹo cột sống ở học sinh để phối hợp xử lý kịp thời, triệt để. Tăng cường rà soát, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học phù hợp thực tế của từng cấp học đảm bảo tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở theo quy định.
Được biết, trước đó, đoàn bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai qua khám sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh học đường cho 1.921 học sinh thuộc 5 trường Tiểu học và THCS tại các huyện Chư Păh, Chư Prông và Ia Pa phát hiện 1.139/1.921 học sinh bị cong vẹo cột sống, chiếm 59,25% và chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh học đường. Cụ thể, có 967/1.921 học sinh bị cong cột sống (gù, ưỡn), chiếm 50,3%; 172/1.921 bị vẹo cột sống, chiếm 8,95%.