Đô thị

Không gian sống

Gia Lai truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch Truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham gia Tuyên bố Glasgow, trong đó có cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 
Để thực hiện được cam kết trên cần có quyết tâm cao, có chính sách phát triển phù hợp, hướng tới mục tiêu chung là chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, công tác truyền thông kịp thời đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về vấn đề biến đổi khí hậu.
biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Thực hiện Kế hoạch số 5069/KH-BTTTT ngày 13-10-2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Truyền thông ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch Truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Kế hoạch nêu rõ các yêu cầu của công tác truyền thông như cần bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tuyên truyền hình thức ngăn chặn phát thải, dự kiến nhập khẩu khí hóa lỏng thay thế điện than, phát triển tiềm năng điện khí gió để giảm cấp điện và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia ngăn chặn phát thải; làm cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu thực sự là nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân; thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết.
Về nội dung truyền thông tập trung vào các vấn đề như việc đổi mới thể chế, chính sách và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính vào Việt Nam; thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn. Truyền thông về việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí mê-tan, đặc biệt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải. Truyền thông về việc bảo tồn, lưu trữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp; trồng rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng nhằm nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng; phát triển nông nghiệp thông minh ít phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thời gian thực hiện truyền thông chia làm 2 giai đoạn, đợt I từ ngày 15-11-2022 đến ngày 31-12-2023; đợt II từ ngày 15-1-2023 đến ngày 31-12-2025.
Kế hoạch cũng nêu rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể trong việc tổ chức thực hiện của Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nội dung truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu trên hệ thống thông tin cơ sở.  
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm