Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 27-10, UBND tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) đã ký bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Tham dự lễ ký kết về phía tỉnh có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế (36,75%) và thu hút phần lớn lực lượng lao động của tỉnh. Ngành nông nghiệp của tỉnh có nhiều sản phẩm lợi thế như: hồ tiêu, cà phê, cao su, mía, mì, bò thịt, bò sữa, chanh dây…
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, hồ tiêu và mì của Gia Lai đứng đầu cả nước về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, còn các sản phẩm khác như: gỗ mỹ nghệ, dược liệu, cây ăn quả tạo ra khối lượng nông sản lớn cho tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản năm 2020 ước đạt 30.186 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp 29.574 tỷ đồng, lâm nghiệp 398 tỷ đồng, thủy sản 214 tỷ đồng. Năm 2020, toàn tỉnh gieo trồng 552.722 ha cây trồng các loại, sản lượng lương thực ước đạt 615.668 tấn. Tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hữu cơ là 42.802,6 ha. Toàn tỉnh có 28.130,6 ha cây trồng cạn được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Đức Thụy
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Yang (huyện Đak Đoa) cho biết: “Hiện nay, Hợp tác xã đã sản xuất sản phẩm hồ tiêu hữu cơ và đang tiến tới sản xuất cà phê hữu cơ. Hợp tác xã có tư liệu sản xuất tốt nhưng khó khăn về nguồn vốn và thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn thiếu về thông tin thị trường. Do đó, chúng tôi mong muốn được hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sinh kế bền vững cho người nông dân”.    
Ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-thông tin: Phú Thiện là huyện thuần nông với cây trồng chủ lực là lúa nước. Nhờ có công trình thủy lợi Ayun Hạ nên đảm bảo nguồn tưới cho hơn 7.000 ha lúa nước mỗi năm. Ngoài ra, Phú Thiện còn có tiềm năng về phát triển cây bắp thương phẩm và bắp sinh khối.
“Chúng tôi mong muốn Tập đoàn Lộc Trời tư vấn, hỗ trợ xây dựng hợp tác xã kiểu mới với quy mô lớn và liên kết sản xuất lúa trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn”-ông Sang đề xuất.  
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Gia Lai có diện tích sản xuất nông nghiệp rất lớn với hơn 500 ngàn ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đang triển khai hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê và rau quả (chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương, chuối tiêu hồng, rau chân vịt) giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân.
Cụ thể, chuỗi liên kết cây chanh dây khoảng 6.000 ha, trong đó với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là 3.250 ha; Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên là 1.950 ha; còn lại khoảng 800 ha trồng xen tại các hộ dân. Riêng Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao còn thực hiện liên kết với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác và 1.075 hộ nông dân tham gia sản xuất 162 ha dứa, 145 ha bắp ngọt, 72 ha đậu tương, 46 ha chuối tiêu hồng. Chuỗi liên kết sản xuất cà phê giữa các hợp tác xã và người dân với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có tổng diện tích 20.000 ha...   
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ
Nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông-lâm sản, UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Thòn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời-cho hay: Tập đoàn là đơn vị đầu tiên trên thế giới thực hiện được cánh đồng lúa theo tiêu chuẩn SRP 100 (tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo bền vững). Mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết là tối ưu hóa hiệu quả canh tác thông qua xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng nhất, đạt chất lượng theo yêu cầu của người thu mua. Bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường thông qua ứng dụng công nghệ cao, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện, định hướng và quy hoạch của địa phương, với sự tham gia của các thành phần có đủ năng lực, chuyên môn ở các công đoạn của chuỗi liên kết sản xuất như: cơ giới hóa bằng thiết bị cao, cung ứng vật tư nông nghiệp, vận chuyển, chế biến sau thu hoạch…
“Thời gian tới, Tập đoàn dự kiến sẽ xây dựng nhà máy chế biến nông-lâm sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc hướng dẫn các giải pháp sản xuất, kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại trên cây trồng. Hỗ trợ xây dựng các sản phẩm trong liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và từng bước hình thành nhãn hiệu, thương thiệu sản phẩm cho các hợp tác xã. Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm có uy tín chất lượng, sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai ra thị trường trong nước và thế giới. Chúng tôi cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm nông sản hàng hóa đủ điều kiện thu mua (hợp đồng, quy trình, chất lượng) và thanh toán theo đúng cam kết tại hợp đồng liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản giữa Tập đoàn với hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân”-ông Thòn cam kết.
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Hiện nay, Gia Lai đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp công nghệ cao, trồng rừng là định hướng lâu dài, phát triển bền vững. Tỉnh cũng đã quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng…
“Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ nông sản giữa Tập đoàn Lộc Trời với tỉnh Gia Lai rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Vì vậy, mong muốn Tập đoàn Lộc Trời cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh nghiên cứu để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Về phía tỉnh luôn đồng hành và xem đó như là trách nhiệm để xây dựng nền nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Sau khi bàn bạc, trao đổi, hai bên thống nhất ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời hợp tác trong việc chỉ đạo xây dựng chuỗi liên kết trong nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) ký kết hợp đồng liên kết chuỗi cung ứng-sản xuất-tiêu thụ nông sản. Thời gian thực hiện trong 3 năm (từ tháng 11-2020 đến hết năm 2023). Trước mắt, chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông sản được thực hiện điểm tại địa bàn huyện Đak Đoa và huyện Phú Thiện để đánh giá, làm cơ sở nhân rộng mô hình.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm