Giáo dục

Tin tức

Giá sách giáo khoa cao gấp 3 - 4 lần, NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam đạt tổng doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch Bộ GD-ĐT giao, trong bối cảnh giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn sách chương trình cũ 3 - 4 lần.

Lãi hàng trăm tỉ nhờ SGK chương trình mới

NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021”. Theo đó, năm 2021 NXB Giáo dục Việt Nam phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa (SGK), đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 1.828 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.


 

NXB Giáo dục Việt Nam thu lợi nhuận vượt xa kế hoạch nhờ tăng giá bán SGK. Ảnh: Nhật Thịnh


Lợi nhuận sau thuế của NXB này đạt 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT giao. “NXB có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản là 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả”, báo cáo nêu. 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB Giáo dục Việt Nam nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỉ đồng.

Khi chưa thực hiện thay SGK mới, năm nào NXB Giáo dục Việt Nam cũng báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỉ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá SGK mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần (yếu tố quan trọng tạo ra khoản lãi hàng trăm tỉ đồng - PV).

“Giá bán SGK phù hợp với đại đa số các gia đình” !

Lý giải về việc vì sao giá SGK mới cao hơn hẳn giá hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới. Thứ nhất, về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản SGK mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách hiện hành (cũ), là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới. Thứ hai, nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.

 


Nghị quyết quốc hội yêu cầu có biện pháp hạ giá thành SGK

Nghị quyết số 63 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (thông qua ngày 16.6 vừa qua) nêu rõ: “Bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá khi sửa đổi luật Giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí”.

Thứ ba, SGK mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17 x 24 cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung... Do đó, chi phí in tăng 23% so với SGK hiện hành.

Đáng chú ý, theo phân tích của NXB Giáo dục Việt Nam thì việc cạnh tranh khi có nhiều bộ SGK, nhiều NXB làm SGK... lại khiến giá SGK tăng chứ không giảm như với các mặt hàng khác. Cụ thể: “Khi có nhiều bộ SGK cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản SGK ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chỉ có một bộ SGK, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn so với SGK hiện hành. Khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh kéo theo chi phí cho việc giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông… trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải chịu các chi phí này”.

Dù giá SGK mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, NXB đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học”.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm