Giải "bài toán" việc làm cho sinh viên ra trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Định hướng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động kết nối doanh nghiệp là những hình thức đang được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua nhằm giải quyết “bài toán” việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Chú trọng thực hành
Dẫn chúng tôi tham quan các khoa đào tạo của trường, ThS. Phạm Anh Tiến-Trưởng phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai) cho biết: Hiện nay, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn loay hoay tìm việc vì một số lý do như: chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc không đam mê với nghề đã chọn. Do vậy, Trường Cao đẳng Nghề luôn chú trọng định hướng ngành nghề phù hợp cho sinh viên. Trước mỗi đợt tuyển sinh, cán bộ, giảng viên của nhà trường trực tiếp xuống các địa phương để giới thiệu chỉ tiêu tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp và nhu cầu việc làm trong thời gian tới. Đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện với tân sinh viên, góp phần định hình cho các em về kế hoạch học tập. Em Ngân Văn Trường (lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 2018B) chia sẻ: “Sau khi được thầy-cô giáo định hướng ngành nghề, thấy nghề này có tỷ lệ xin được việc làm rất cao và phù hợp với năng lực bản thân nên em an tâm theo học”. 
Một buổi học của sinh viên lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 2018B (Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai). Ảnh: P.L
Một buổi học của sinh viên lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 2018B (Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai). Ảnh: P.L
Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng thực hành, chỉ có khoảng 25-30% thời gian dành học lý thuyết. Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Nghề đã đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc, xây dựng hệ thống nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Hàng năm, từng khoa cũng tổ chức hội thi tay nghề để đánh giá năng lực của sinh viên.
Theo chia sẻ của ThS. Phạm Anh Tiến: “Những năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa sinh viên đến tham quan thực tế, thực tập, củng cố kiến thức, thực hành tay nghề. Các sinh viên đều được doanh nghiệp lo ăn ở, chi trả một phần kinh phí”.
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai cũng luôn chú trọng đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo. Những ngành nghề đã bão hòa, Phân hiệu ngừng tuyển sinh và mở thêm các ngành đào tạo mới. Trong năm 2019, nhà trường đã mở thêm tại Phân hiệu ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin. “Nhà trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, không ngừng đổi mới hình thức đào tạo để sinh viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Trong quá trình đào tạo, giảng viên luôn được khuyến khích sáng tạo, còn sinh viên thì chủ động trong học tập”-TS. Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai thông tin.
Nhằm phát huy tính sáng tạo của sinh viên, hàng năm, Ban Quản lý nghiên cứu khoa học của nhà trường đều lựa chọn những dự án, đề tài có tính khả thi để hỗ trợ vốn nghiên cứu, sáng tạo; mỗi dự án được hỗ trợ 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp của nhà trường cũng tổ chức 3-4 đợt tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên. Tiến sĩ Trần Cao Bảo cho biết thêm: “Với mỗi sinh viên, ngoài kiến thức, những kỹ năng mềm cũng góp phần tạo nên sự thành công. Vì vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, kết nối với một số chuyên gia để hỗ trợ kỹ năng này cho sinh viên”.
Kết nối với doanh nghiệp
85,5% sinh viên sau khi ra trường có việc làm là số liệu thống kê của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sau năm học 2018-2019. Trong đó, nhiều ngành có tỷ lệ xin được việc làm đạt 100% như: Công nghệ thông tin, Kế toán, Kỹ thuật sửa chữa máy tính; một số ngành khác cũng có đầu ra tốt như: Điện công nghiệp (tỷ lệ xin được việc làm đạt 96,8%), ngành Hàn (đạt 91,2%)…
Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi ra trường. Ảnh: Đức Thụy
Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi ra trường. Ảnh: Đức Thụy
Có được kết quả đó là nhờ sự kết nối, giới thiệu của nhà trường với các doanh nghiệp. Thạc sĩ Phạm Anh Tiến cho biết: Việc kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm việc làm cho sinh viên luôn được nhà trường chú trọng, đặc biệt hướng đến những địa phương có nền kinh tế phát triển như: Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Tùy theo từng ngành, nghề, trung bình mức lương chi trả 6-12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trước mỗi đợt tốt nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Với uy tín gây dựng được, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng nghề đã tuyển được 684 học sinh, sinh viên theo học tại trường, vượt chỉ tiêu được giao.
Tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, sinh viên sau khi ra trường có việc làm cũng đạt tỷ lệ khá cao (80%), một số ngành chiếm ưu thế gồm: Nông học, Chăn nuôi, Thú y… Nhờ sự chủ động kết nối của nhà trường, nhiều sinh viên đã chứng tỏ được năng lực theo yêu cầu của doanh nghiệp trong quá trình thực tập và được giữ lại làm việc ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương từ 8 triệu đồng/tháng trở lên. Trong các buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên đều có sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh lân cận với hàng ngàn vị trí việc làm cần tuyển dụng. Anh Nguyễn Thành Lân (SN 1994) chia sẻ: “Tôi học ngành Nông học, nhờ sự kết nối của nhà trường với doanh nghiệp, tôi đã xin được việc làm tại Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và có mức lương ổn định. Việc được đào tạo chuyên sâu, trang bị nhiều kỹ năng đã giúp tôi có thêm sự tự tin, kiến thức để áp dụng vào công việc”.
 PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm