Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Giải Báo chí Quốc gia: Có giải Đặc biệt đầu tiên sau 15 năm tổ chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020. Lần đầu tiên sau 15 năm, có tác phẩm báo chí được nhận giải Đặc biệt.

Đoàn làm phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình” thực hiện một cảnh quay. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Đoàn làm phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình” thực hiện một cảnh quay. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
“Giải Báo chí Quốc gia có một vị thế danh giá nhất, cao quý nhất trong đời sống báo chí, là ngày hội lớn nhất trong năm của những người làm báo cả nước,”  nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nhận định.
Sau 15 năm tổ chức, lần đầu tiên Giải Báo chí Quốc gia tìm được một tác phẩm xứng tầm để trao giải Đặc biệt.
‘15 năm đãi cát tìm vàng’
Khi biết tin tác phẩm “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình” của báo Nhân dân được giải Đặc biệt, ông Lê Anh, Giám đốc dự án phim bày tỏ sự xúc động, cho hay đây là niềm vui kép, bởi trước đó, tác phẩm cũng đã đoạt giải đặc biệt tại Giải thưởng Búa liềm vàng.
“Chúng tôi, những người làm phim, đều có chung cảm xúc vui mừng, vinh dự và biết ơn tất cả những sự giúp đỡ quý báu để thực hiện bộ phim rất kỳ công này. Để gặt hái được thành công hôm nay, không thể không nhắc đến sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành địa phương và các tổ chức, cá nhân, đồng nghiệp trong và ngoài nước đã chỉ đạo, phối hợp giúp đỡ. Đặc biệt là sự theo dõi, hưởng ứng cũng như những đóng góp quý báu của đông đảo công chúng,” ông Lê Anh cho biết.
Đây là bộ phim tài liệu dài 90 tập, được chuẩn bị trong nhiều năm, phản ánh đầy đủ về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và các mốc son lịch sử trong hơn 90 năm Đảng đồng hành cùng nhân dân, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu trong cả một tiến trình lịch sử.
“Ý tưởng ban đầu thì cũng không có gì ‘đao to búa lớn,’ những người làm phim của Báo Nhân dân mong muốn ‘dân ta phải biết sử ta…’. Chúng ta chưa có tác phẩm phim tài liệu dài hơn nào về một giai đoạn dài lịch sử cách mạng rất hào hùng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Do đó, chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án này,” ông Lê Anh chia sẻ.

Bộ phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình” đạt giải Đặc biệt đầu tiên trong lịch sử 15 năm Giải Báo chí Quốc gia. Ảnh chụp màn hình
Bộ phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình” đạt giải Đặc biệt đầu tiên trong lịch sử 15 năm Giải Báo chí Quốc gia. Ảnh chụp màn hình
Quá trình làm phim đã diễn ra với những thuận lợi và rất nhiều khó khăn, thách thức, đến mức khi nhìn lại, êkip đã tự hỏi tại sao họ lại vượt qua được.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ sản xuất phim trong một cảm xúc rất đặc biệt, vừa đan xen khát vọng, quyết tâm vừa có những áp lực vời vợi trước khối lượng công việc vô cùng đồ sộ cùng với sự hoài nghi của không ít nhà chuyên môn về dự án ‘bom tấn’ này nằm ngoài khả năng thực hiện của Báo Nhân dân,” ông Lê Anh nhớ lại.
Chia sẻ với Báo điện tử VietnamPlus, ông cho rằng sự hoài nghi lúc đó cũng có cơ sở vì Báo Nhân dân chưa hề sản xuất phim tài liệu nào lớn. Cuối cùng, tác phẩm này đã được hoàn thành trong hai năm, dựa trên sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó.
“Chúng tôi phối hợp với một số trung tâm lưu trữ, cơ quan điện ảnh, truyền hình nước ngoài tại Pháp, Mỹ, Nga và một số nước khác nên đã tiếp cận, khai thác được các tư liệu, hình ảnh, tài liệu quý lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam,” ông Lê Anh nhấn mạnh.
Trước sự vinh danh tại Giải thưởng Báo chí Quốc gia, nhà báo Lê Anh nhắc lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là cảm xúc hạnh phúc vỡ òa khi tiếp cận được những nguồn tư liệu quý mà trước đó đoàn làm phim tưởng chừng như bế tắc. Đó là những cuộc gặp gỡ xúc động với những nhân chứng từng ở hai đầu chiến tuyến, có những người đã rất già yếu, họ đã ra đi mà không được xem bộ phim khi phát sóng…

Cảnh trong phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình.” Ảnh chụp màn hình
Cảnh trong phim “Việt Nam-Thời đại Hồ Chí Minh: Biên niên sử truyền hình.” Ảnh chụp màn hình
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá bộ phim là một tác phẩm đặc biệt về nội dung và hình thức thể hiện, có những số liệu chưa từng công bố.
Qua đó, tác phẩm giáo dục truyền thống lịch sử, sự lãnh đạo, đường lối chính sách nhất quán của Đảng, sự phát triển của đất nước, dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử đồng thời tuyên truyền, phản bác các âm mưu thủ đoạn xuyên tạc sự thật lịch sử cách mạng, về Đảng, Nhà nước, Lãnh tụ, lãnh đạo đất nước, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.
"Đoàn làm phim đã tìm gặp hàng nghìn nhân chứng, thực hiện hàng nghìn cuộc phỏng vấn để tái hiện lại chân thực nhất cả một giai đoạn lịch sử. Các nhân chứng không chỉ của các nhà báo cách mạng mà có cả những người bên kia chiến tuyến. Bộ phim chính luận này có ý nghĩa sâu sắc, tác dụng to lớn, độ lan tỏa rộng và sâu trong đời sống xã hội," ông nhận xét.
Với giải đặc biệt này, ông Hồ Quang Lợi cho rằng Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đánh dấu một chặng đường 15 năm “đãi cát tìm vàng,” tôn vinh những nhà báo, tờ báo xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông cho rằng các tác giả của những bài báo được vinh danh khi đặt bút viết đều không vì giải thưởng. Bởi sứ mệnh của mỗi nhà báo là góp phần xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp hiện đại và mục tiêu của mỗi nhà báo là phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân.
“Khi xác định và theo đuổi sứ mệnh ấy bằng tài năng, bằng sự dấn thân, dũng cảm thì tôi tin là các nhà báo, các tòa báo sẽ có được sự ghi nhận không chỉ bằng những giải thưởng mà cao hơn là niềm tin của công chúng,” nhà báo Hồ Quang Lợi nói.
Vinh danh nỗ lực tác nghiệp chống dịch
Trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19, đội ngũ phóng viên báo chí đã có những ngày tháng lao động đầy thách thức.
Chia sẻ với cảm xúc tự hào, ông Hồ Quang Lợi nhắc lại hình ảnh các đồng nghiệp đã dấn thân và đầy trách nhiệm trên tuyến đầu thông tin. Họ cùng với lực lượng tuyến đầu như các y bác sỹ, lực lượng công an, quân đội đã không quản ngại vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng để cung cấp kịp thời các thông tin chính thống cho công chúng, để những dòng tin tức không ngừng chảy, góp phần định hướng dư luận và ổn định xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo giải Báo chí Quốc gia Hồ Quang Lợi. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo giải Báo chí Quốc gia Hồ Quang Lợi. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Từ 150 tác phẩm vào Chung khảo, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đã cán đích với 01 giải đặc biệt, 9 Giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải Khuyến khích. Đó là sự vinh danh xứng đáng đối với các nhà báo sau những ngày tác nghiệp gian nan trong đại dịch.
“Lực lượng báo chí với tinh thần xung kích, tiên phong đã mang đến nhiều tác phẩm chân thực, khách quan, phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống. Dù rằng để dấn thân với nghề, dấn thân phục vụ bạn đọc, người làm báo phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm. Hầu hết những tác phẩm được giải đều có giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí có cả máu của nhà báo,” ông Lợi cho biết.
Ông Hồ Quang Lợi nhận định rằng Giải Báo chí Quốc gia có giá trị rất lớn đối với lao động báo chí nói riêng và đời sống-xã hội nói chung bởi Giải thưởng góp phần khích lệ sự lao động sáng tạo, thúc đẩy hoạt động của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số...
Theo Hội đồng giải thưởng, năm nay chất lượng các tác phẩm dự giải vẫn giữ mức đồng đều so với những năm gần đây, không có tác phẩm yếu kém.
“Có thể nói, Giải Báo chí Quốc gia đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến, tinh thần của giới báo chí cách mạng Việt Nam. Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng, vun đắp trong quá trình làm nghề và mỗi dịp trao giải sẽ lại thêm bừng sáng hơn, làm vẻ vang truyền thống của báo chí nước nhà để rồi những người làm báo mọi thế hệ sẽ luôn luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình,” ông nói./.
Tiền thân của Giải Báo chí Quốc gia là Giải Báo chí Toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ năm 1991. Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp giải thưởng này lên thành Giải Báo chí Quốc gia.
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020 sẽ được tổ chức vào tối Chủ nhật 24/10/2021 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam.
Để đảm bảo công tác phòng chống đại dịch COVID-19, Ban tổ chức quyết định các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải công tác và sinh sống ngoài địa bàn Hà Nội sẽ không về Hà Nội tham dự trực tiếp Lễ trao giải. Ban tổ chức sẽ gửi cúp, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương và tiền thưởng về Hội Nhà báo địa phương và các địa phương sẽ tổ chức Lễ trao giải vào thời gian và cách thức phù hợp với thực tế.
Minh Thu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm