Thời sự - Sự kiện

Giải Báo chí tỉnh lần thứ XII: Chất lượng cao, mang hơi thở cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XII-2023 tiếp tục quy tụ nhiều tác giả, nhóm tác giả tham gia với những tác phẩm xuất sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Qua 12 năm tổ chức, giải đã kịp thời ghi nhận, động viên tinh thần thi đua lao động sáng tạo và tạo ra sân chơi bổ ích cho những người làm báo trên địa bàn tỉnh.

Sân chơi của những người làm báo

Là giải báo chí được kỳ vọng hàng năm, do đó, hầu hết các tác phẩm đều là những “đứa con tinh thần” được các tác giả, nhóm tác giả dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Nhiều tác phẩm được các tác giả, nhóm tác giả chịu khó tìm tòi, khai thác thông tin tư liệu, đổi mới cách thể hiện để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến độc giả như: “Đi về hướng mặt trời”, “Vượt sóng tìm chữ”, “Gian nan giữ rừng”, “Ngăn chặn mua bán người qua biên giới”...

Để vạch trần luận điệu xuyên tạc, lừa phỉnh của các thế lực thù địch cũng như hậu quả từ việc tin theo “chiếc bánh vẽ” về “miền đất hứa” trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm tác giả Lê Anh-Vĩnh Hoàng (Báo Gia Lai) đã dày công xây dựng loạt bài 5 kỳ “Đi về hướng mặt trời”. Tác phẩm đạt giải A ở loại hình báo in và báo điện tử.

Nhà báo Vĩnh Hoàng chia sẻ: “Loạt bài đòi hỏi luận cứ, luận điểm chặt chẽ, thuyết phục bạn đọc. Cái khó của chúng tôi là quá trình tìm gặp, phỏng vấn nhân vật. Nhiều người từng trải qua lầm lỡ nên không muốn nhắc lại quá khứ. Mặt khác, chúng tôi phải đến nhiều địa phương, ghi nhận ý kiến từ nhiều cơ quan nên mất khá nhiều thời gian. May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Ban Biên tập mà trực tiếp là đồng chí Tổng Biên tập cũng như các phòng chuyên môn nên tác phẩm đạt yêu cầu đề ra”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao giải A cho các tác giả tại Giải Báo chí tỉnh lần thứ XI-2022. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao giải A cho các tác giả tại Giải Báo chí tỉnh lần thứ XI-2022. Ảnh: Đ.T

Ở loại hình báo hình, tác phẩm “Vượt sóng tìm chữ” của nhóm tác giả: Hòa Giang, Bảo Ngọc, Viễn Khánh, Năng Hùng, Thanh Tâm (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) đã đạt giải A. Đây là câu chuyện về hành trình đến trường đầy gian nan của các em nhỏ sống ngụ cư trên đảo Ba Chơn (xã Ia O, huyện Ia Grai) với lời nhắn nhủ “Tình yêu thương trên vùng đất Gia Lai sẽ cùng các em tiếp tục vượt sóng theo đuổi ước mơ đến trường”.

Nhà báo Hòa Giang bộc bạch: “Khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi mong muốn lan tỏa giá trị tinh thần, giá trị nhân văn từ chính người thầy và các Mạnh Thường Quân đã chung tay giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Tác phẩm khi phát sóng đã tạo được hiệu ứng xã hội. Mục tiêu lan tỏa ban đầu phần nào đã đạt được và thật may mắn khi tác phẩm được Hội đồng sơ khảo, chung khảo ghi nhận, đánh giá cao”.

Cũng theo nhà báo Hòa Giang, để có một tác phẩm truyền hình thành công đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó, sự ăn ý của ê kíp thực hiện là rất quan trọng. Đối với tác phẩm “Vượt sóng tìm chữ”, mỗi thành viên trong ê kíp đều cảm thấy tự hào vì đã phát huy tốt nhất khả năng, đóng góp tư duy, trí tuệ để làm cho sản phẩm hay hơn, nhân văn hơn.

Mảng đề tài về công tác xây dựng Đảng luôn được xem là “khô, khó và khổ”. Song, nhà báo Minh Lý (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) đã khéo léo trong cách lựa chọn và thể hiện tác phẩm để giành giải A ở loại hình báo nói. Ở tác phẩm “Gạn đục khơi trong”, tác giả dụng công phản ánh quan điểm, cách thức mà các ngành, địa phương triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trong đó nhấn mạnh vào 2 điểm: công tác phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên, kết hợp sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, vi phạm Điều lệ Đảng; công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, thực hiện “tự soi”, “tự sửa”. Qua đó khẳng định quan điểm của cấp ủy các cấp trong thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là “gạn đục để khơi trong”, quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh (thứ 7 từ trái sang) trao kỷ niệm chương cho các cá nhân. Ảnh: Đ.T

Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh (thứ 7 từ trái sang) trao kỷ niệm chương cho các cá nhân. Ảnh: Đ.T

Tham gia giải báo chí tỉnh với tác phẩm “Mai này ai hát sử thi?” và đạt giải B ở loại hình báo nói, tác giả Lan Anh (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ) ngoài phản ánh chân thực thực trạng còn gửi gắm thông điệp giàu ý nghĩa về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Trước đây, xã Ya Hội có 3 nghệ nhân hát kể sử thi nhưng một trong số đó đã theo những cánh hoa pơ lang về trời. Tôi tìm đến 2 nghệ nhân còn lại với hy vọng hiểu thêm về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Đồng thời, tôi mong muốn các ngành chức năng có thêm giải pháp lưu giữ để nó không bị mai một hoặc chỉ còn lại trên những trang giấy”-tác giả Lan Anh chia sẻ.

Bám sát hơi thở cuộc sống

Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XII-2023 thu hút 89 tác phẩm tham gia ở 4 loại hình, trong đó, báo in và báo điện tử có 35 tác phẩm, báo nói 25 tác phẩm, báo hình 29 tác phẩm. Nhà báo Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai, thành viên Hội đồng sơ khảo báo in và báo điện tử-cho biết: Số lượng và chất lượng tác phẩm tham gia giải năm nay đều cao hơn so với năm trước. Đặc biệt, nhiều tuyến bài dài kỳ bám sát các vấn đề xã hội, có tính thời sự được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư nghiêm túc, công phu, thể hiện với bố cục chặt chẽ, sinh động, hấp dẫn. Điều này bắt nguồn từ việc năm 2023, Báo Gia Lai triển khai xây dựng các tuyến bài dài kỳ, đi sâu khai thác, phân tích các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Loại hình báo điện tử xuất hiện nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện (multimedia) được trình bày theo hình thức Infographics, E-magazine tạo nên món ăn tinh thần mới mẻ, bắt kịp xu hướng làm báo hiện đại.

Còn nhà báo Nguyễn Khắc Quang-Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo báo nói và báo hình thì đánh giá: Giải báo chí năm nay có nhiều đề tài tốt, phản ánh sinh động, đúng thực tế các mặt của đời sống xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khán, thính giả cũng như định hướng phát triển của tỉnh. Các tác phẩm đã phản ánh khá toàn diện những vấn đề trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vấn đề bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc...

“Một số đề tài rất hay, tôi nghĩ nếu tác giả, nhóm tác giả đầu tư khai thác, phân tích sâu hơn, làm thêm phần hậu kỳ thay vì dùng bản đã phát sóng đem dự thi thì sẽ tạo hiệu ứng xã hội tốt hơn và chắc chắn sẽ đạt giải cao hơn. Cũng như năm trước, số nhà báo đang công tác tại các Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao cấp huyện vẫn chưa tích cực tham gia giải nên số lượng tác phẩm rất ít”-nhà báo Nguyễn Khắc Quang cho hay.

Phóng viên Lê Anh (Báo Gia Lai) tác nghiệp tại làng Djrông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) để thực hiện loạt bài “Đi về hướng mặt trời”. Ảnh: Thiên Đăng

Phóng viên Lê Anh (Báo Gia Lai) tác nghiệp tại làng Djrông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) để thực hiện loạt bài “Đi về hướng mặt trời”. Ảnh: Thiên Đăng

Chiều 20-6, tại TP. Pleiku, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tọa đàm kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) và trao Giải Báo chí tỉnh lần thứ XII-2023.

Trong khi đó, nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí tỉnh lần thứ XII-2023 thì thông tin: Giải năm nay có 83/89 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo. Theo quy định điều lệ giải, những tác phẩm đã đạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức sẽ không tham gia giải này.

Hội đồng sơ khảo đã thẩm định, chấm giải với tinh thần nghiêm túc, công tâm, đúng quy định của điều lệ giải. Hội đồng chung khảo phân tích, đánh giá các tác phẩm dựa trên nhiều tiêu chí, từ đề tài, nội dung thể hiện, cách trình bày, tính thời sự, hiệu ứng lan tỏa... Kết quả, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 30 tác phẩm xuất sắc ở 4 loại hình để trao giải, gồm: 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích.

“Nhìn chung, số lượng và chất lượng tác phẩm đều tăng so với trước, nhất là ở loại hình Báo in và báo điện tử. Dự kiến Giải Báo chí tỉnh lần thứ XIII-2024 sẽ tách loại hình báo in riêng, báo điện tử riêng nhằm khuyến khích tác giả, nhóm tác giả tham gia, góp phần tăng số lượng, chất lượng tác phẩm. Từ đó, có thêm lựa chọn tác phẩm để tham dự các giải báo chí quốc gia. Năm nay, Báo Gia Lai có 2 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo Giải Báo chí quốc gia đều thuộc loại hình báo điện tử, trong đó, 1 tác phẩm đạt giải khuyến khích”-nhà báo Trần Quốc Anh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm