Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Giải cứu 3 bé gái khỏi quán cà phê trá hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 13-11, đại úy Lê Xuân Quang - Phó Công an phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - cho biết 3 bé gái làm việc tại quán cà phê chòi Ngọc Lan 79 đã được công an bàn giao cho người thân.

Xem bé gái như hàng hóa

Sự việc bắt đầu từ sáng 12-11, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải nhận được tin nhắn cầu cứu từ cháu N. (14 tuổi, quê Bình Thuận). Cháu cho biết mình và 2 bạn cùng quê là T. (13 tuổi) và L. (14 tuổi) vào TP HCM kiếm việc làm. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin, các cháu gặp một đối tượng tên Công. Công hứa giới thiệu các cháu làm nhân viên phục vụ nhà hàng với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đó, Công nói nhà hàng không còn tuyển người. Công chở các em đến quán cà phê Ngọc Lan 79 và "bán" cho chủ quán với giá 4 triệu đồng/em. Công bỏ các em lại, lẳng lặng ra về.

 

Ba bé gái vừa được cứu khỏi quán cà phê Ngọc Lan 79 liền ôm nhau khóc.
Ba bé gái vừa được cứu khỏi quán cà phê Ngọc Lan 79 liền ôm nhau khóc.

Các em không đồng ý làm ở đây thì chủ quán yêu cầu phải trả lại số tiền 12 triệu đồng, nếu không thì phải phục vụ ít nhất 3 tháng. Dù biết các em không đủ tuổi nhưng chủ quán vẫn yêu cầu các em ngồi chung với khách, cho khách sờ soạng. Cháu N. kể: "Khách vô trả 140.000 đồng (chủ lấy hết) thì em leo lên võng ngồi chung với khách trong 30 phút. Em phải để cho khách "thoải mái".

Chiều 12-11, "hiệp sĩ" Hải cùng đồng đội ập vào quán cà phê trên. Thấy "hiệp sĩ" vào giải cứu, các em vừa mừng vừa khóc. Một em kể: "Ban đêm tụi em phải leo lên gác ngủ. Vừa leo lên là chủ rút thang cất. Người của quán thì canh phòng tụi em đến 4-5 giờ sáng. Tụi em trốn không được".

Chủ quán Bùi Tấn Thành (42 tuổi, quê Hà Nam) thừa nhận đã đưa cho "cò" 12 triệu đồng và nhận các em vào làm. Tuy nhiên, ông Thành phủ nhận việc ép các bé ôm khách hoặc cho tiếp viên bán dâm trong chòi và không giam giữ các bé.

Vì họ quá tinh vi?

Khoảng 15 phút sau khi "hiệp sĩ" ập vào quán cà phê này, Công an thị xã Thuận An và công an phường cũng xuất hiện. Công an cho biết mình cũng nhận được tin báo về việc quán cà phê kích dục, sử dụng lao động trẻ em nên tới kiểm tra, không ngờ "hiệp sĩ" ra tay trước.

Đại úy Lê Xuân Quang cho biết thời gian qua, phường đã dẹp hàng chục quán cà phê kích dục. Nhiều quán sử dụng tiếp viên chưa đủ tuổi lao động đã bị xử phạt. Đại úy Quang thừa nhận hiện phường vẫn còn một vài quán hoạt động lén lút, tinh vi.

Ông Quang nêu khó khăn: "Nhiều quán bị chúng tôi bắt quả tang kích dục cho khách. Tuy nhiên, khi bị phạt hành chính, chủ quán không đóng phạt mà bỏ đi luôn hoặc cho người khác thuê lại quán". Hầu hết chủ quán là người ở xa tới kinh doanh. Họ đến - đi không khai báo nên công tác quản lý, xử lý các quán này rất khó khăn. Cụ thể, nhiều lần công an thu giữ đồ đạc trong quán mang về trụ sở bảo quản để buộc chủ quán đóng phạt. Chủ quán đối phó bằng cách bố trí quán rất sơ sài, toàn đồ giá trị thấp. Bị tịch thu thì bỏ luôn.

Cuối cùng, đại úy Quang thông tin chủ quán Bùi Tấn Thành đã được công an thả về vì không có dấu hiệu phạm pháp hình sự (!).

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), sự việc cho thấy các đối tượng nêu trên đã vi phạm pháp luật theo điều 6 Luật Trẻ em. Luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm như "Xâm hại tình dục", "Sử dụng, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật".

Cũng theo luật sư Đức, nhiều vụ việc xảy ra tương tự như trên chỉ dừng ở mức xử lý phạt hành chính là điều hết sức bất cập. Hệ lụy hành vi kinh doanh cà phê trá hình kích dục có sự tiếp tay của các "cò" lao động gạt gẫm sử dụng trẻ em cho mục đích kinh doanh như đã nêu trên làm băng hoại đạo đức xã hội, tổn thương tinh thần, sức khỏe trẻ em, gây thiệt hại cho nhiều người lao động khác.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nếu những thông tin mà báo chí đưa là chính xác thì có thể thấy chủ quán đã có hành vi dùng tiền (12 triệu đồng - NV) để trao đổi các bé gái như một loại hàng hóa, biến các em thành những con nợ. Đây là việc làm lừa lọc, thất đức, gây phẫn nộ trong dư luận.

Tại khoản 1, điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nêu rõ: "Mua bán trẻ em" được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa. "Ở đây vì các em mới chỉ từ 13-14 tuổi (dưới 16 tuổi) nên giao dịch giữa cò và chủ quán có thể có dấu hiệu của tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo điều 120 - Bộ Luật Hình sự. Trong khi đó, những người khách (nếu đã thành niên) có hành vi sàm sỡ các em thì có thể có dấu hiệu của tội "Dâm ô đối với trẻ em" quy định tại điều 116 Bộ Luật Hình sự" - luật sư Tiến phân tích.

Như Phú/nld

Có thể bạn quan tâm