Thời sự - Bình luận

Thêm gánh nặng cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hai ngày qua, đề xuất của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trình Quốc hội về cơ chế bổ sung bảo vệ người lao động (NLĐ) trong trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không còn khả năng đóng BHXH đang tạo sóng dư luận.

Theo đó, cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đã đóng nếu NLĐ có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ "đóng đến đâu tính đến đó". Khi NSDLĐ đóng bù thì NLĐ sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại.

Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí và các chế độ khác thì NLĐ có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào quỹ hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng.

Cần nói thẳng rằng đây không thể là cơ chế bảo vệ NLĐ. Lâu nay, nhiều NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi do NSDLĐ vi phạm luật. NSDLĐ chiếm dụng tiền BHXH và trốn đóng, không đóng BHXH thì NLĐ không được hưởng quyền lợi về BHXH. Hiện quyền lợi của hơn 213.000 lao động trong doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, đang bị treo. Đến hết năm 2022, tiền nợ tại các DN này tới hơn 4.000 tỉ đồng và gần như không thể thu hồi.

Đã bị thiệt thòi, nay lại được đề xuất phải đóng bù tiền để hưởng quyền lợi mà NLĐ đương nhiên được hưởng là thêm gánh nặng cho NLĐ. Khi DN chậm, trốn đóng BHXH thì NLĐ đã mất trắng khoản lương hằng tháng trích đóng ban đầu. Nếu phải đóng bù lần nữa cho phần DN vi phạm thì NLĐ phải đóng nhiều lần với tỉ lệ lớn, ít nhất 30% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Cụ thể, 8% tiền lương tháng đóng BHXH ban đầu nhưng DN không đóng; 22% tiền đóng bù (8% của NLĐ, 14% của DN) để được xác nhận thời gian đóng hưởng chế độ. Tính ra, họ phải đóng 2 lần lương chỉ để được hưởng chế độ một lần.

Lẽ ra, khi DN nợ BHXH thì nhà nước phải có biện pháp xử lý để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đằng này không xử lý dứt khoát, hầu như không thể thu hồi 4.000 tỉ đồng tiền nợ BHXH là minh chứng; nay lại đề xuất NLĐ đã nghèo, đã yếu thế, đã thiệt thòi phải đóng thêm, đóng bù mới được hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng, đương nhiên của mình, thì rõ ràng là không ổn, không hợp lý chút nào.

Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề: Vì sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không hề giảm mà còn tăng lên. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan BHXH đến đâu? Đề xuất theo hướng trên là không thỏa đáng, không công bằng với NLĐ. Đừng vì cái khó của hiện trạng không phải do NLĐ đem lại, trong khi NLĐ chịu thiệt thòi mà đẩy thêm khó khăn về phía NLĐ.

Đồng ý đề xuất này sẽ tạo tiền lệ xấu để một bộ phận DN cố tình chậm, nợ BHXH vì đã có nhà nước lo hoặc NLĐ tự chịu. Phải cầm đằng chuôi trong việc hưởng quyền lợi, niềm tin của NLĐ về an sinh xã hội sẽ sụt giảm. Do đó, cần cân nhắc kỹ, xem xét các tác động sẽ diễn ra nếu áp dụng. Không loại trừ khả năng không có tiền đóng bù, thiệt thòi quyền lợi BHXH, đông đảo NLĐ sẽ rời hệ thống an sinh, trở thành lao động tự do, gia nhập khu vực kinh tế phi chính thức. Sau này, thu hút họ về với hệ thống an sinh xã hội, với chính sách BHXH là không dễ dàng.

Có thể bạn quan tâm