Giải quyết hài hòa các mục tiêu, nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáp nhập Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vào Trung tâm Y tế nhằm tinh gọn bộ máy, giảm các đầu mối, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chủ trương này vẫn còn nhiều băn khoăn.
 Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân. Ảnh: H.T
Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân. Ảnh: H.T
Theo ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, đề án sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đã được Sở Y tế thống nhất với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh và đã được chấp thuận. Dự kiến, ngoài các phòng, khoa chuyên môn, Trung tâm Y tế sẽ có thêm phòng Dân số-Truyền thông giáo dục sức khỏe. 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc sáp nhập, nhiều cán bộ dân số không khỏi băn khoăn. Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-cho biết, qua các cuộc họp, cán bộ làm công tác dân số bày tỏ sự lo lắng do tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể; việc của Trung tâm Y tế rất nhiều, nếu điều động cán bộ làm công tác dân số sang làm thêm phần việc của Trung tâm thì sẽ khó đảm trách tốt công tác dân số.
Bà Phạm Thị Nhàn-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Chư Prông, cũng cho rằng, công tác dân số tại địa phương những năm qua đạt được nhiều thành tích là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số và sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của tỉnh, huyện và đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn. “Chủ trương sáp nhập là đúng, nhưng công tác dân số đòi hỏi có đội ngũ cán bộ chuyên trách không chỉ có trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động mà còn phải thực sự tâm huyết mới mong đem lại kết quả. Việc sáp nhập có thể dẫn đến xáo trộn đội ngũ nhân lực, công tác dân số có thể bị chi phối hoặc lơ là, xem nhẹ, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung”-bà Nhàn nhận định.

Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: “Công tác y tế thường cho kết quả ngay trước mắt. Trong khi đó, công tác dân số phải 5-10 năm, thậm chí dài hơn mới thấy được kết quả. Do đó, khi sáp nhập, vấn đề đặt ra là phải hài hòa thực hiện đối với 2 nhiệm vụ này để đạt hiệu quả cao nhất”.

Cùng bày tỏ trăn trở khi sáp nhập vào Trung tâm Y tế, ông Luyện Văn Toàn-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Chư Pah-nói: Việc thành lập Phòng Dân số-Truyền thông giáo dục sức khỏe khi sáp nhập về Trung tâm Y tế là cần thiết. Tuy nhiên, tiêu chí đề ra đối với cán bộ chuyên trách dân số ở các xã là phải có chứng nhận chuyên môn về y tế; đây là yêu cầu bất khả kháng đối với họ. Ông Toàn đề xuất: “Nên có chính sách cụ thể với cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số ở các thôn, làng, tổ dân phố sau khi sáp nhập để ổn định nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động”.
Làm thế nào để hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập là một câu hỏi lớn đối với những người làm công tác dân số trong tỉnh, nhất là khi Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu chuyển hướng trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, với nhiệm vụ và yêu cầu lớn hơn. Hơn nữa, tỉnh ta vẫn còn mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chưa có chiều hướng giảm. Toàn tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mức sinh thay thế cao (2,4 con/phụ nữ) so với mức sinh thay thế chung của cả nước (2,1 con/phụ nữ)... Trong khi đó, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về DS- KHHGĐ không còn do chuyển và gộp vào chương trình mục tiêu y tế-dân số cùng với triển khai mô hình xã hội hóa phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng thuận lợi nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các hoạt động, nhất là ở cơ sở.
Hà Tây

Có thể bạn quan tâm