Một phi hành gia trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) chụp được bức ảnh hai quầng sáng xanh không liên quan đến nhau trên bầu khí quyển Trái đất.
Một quầng sáng trong bức ảnh là kết quả của hiện tượng sét đánh. |
Hai quầng xanh chói lóa này trông rất kỳ lạ, nhưng các chuyên gia giải thích rằng đó là kết quả của hai hiện tượng tự nhiên không liên quan đến nhau, xảy ra cùng lúc.
Bức ảnh này được một thành viên Phi hành đoàn 66 chụp khi ISS đi qua Biển Đông. Bức ảnh được NASA công bố ngày 9/10 vừa qua.
Quầng sáng đầu tiên là đốm sáng chói ở khu vực Vịnh Thái Lan, được giải thích là do sét đánh. Quan sát sét đánh từ ISS thường khó, vì bị mây che khuất. Tia sét đó xuất hiện gần một khoảng trống lớn trên đỉnh các đám mây, khiến khoảng trống trông giống miệng núi lửa bị tia sét làm cho sáng rực, tạo nên một quầng sáng nổi bật.
Quầng sáng thứ hai được tạo ra từ ánh sáng của Mặt trăng bị biến dạng. Hướng của Mặt trăng so với Trái đất nhìn từ ISS khiến ánh sáng mà nó phản chiếu từ Mặt trời sẽ đi thẳng qua khí quyển Trái đất, tạo nên một quầng sáng rực cùng với ánh hào quang mờ, Đài quan sát Trái đất của NASA giải thích.
Hai quầng sáng xanh trong bức ảnh do một phi hành gia chụp từ ISS. |
Các màu sắc khác nhau của ánh sáng có bước sóng khác nhau, ảnh hưởng đến sự tương tác của chúng với các hạt trong bầu khí quyển. Ánh sáng xanh lam có bước sóng ngắn nhất, vì thế dễ bị tán xạ nhất, khiến Mặt trăng biến thành màu xanh trong bức ảnh mà phi hành gia chụp. Hiệu ứng này cũng giải thích vì sao bầu trời có vẻ chuyển thành màu xanh vào ban ngày, vì ánh sáng xanh tán xạ nhiều nhất và trở nên dễ nhìn nhất trong mắt con người.
Bức ảnh cũng cho thấy một mạng ánh sáng đèn điện ở Thái Lan. Các nguồn ánh sáng khác phát ra từ phía Việt Nam và đảo Hải Nam (Trung Quốc), dù bị mây che mờ. Quầng sáng màu cam song song với đường cong Trái đất là rìa của bầu khí quyển, thường được gọi là “chân trời” khi được nhìn từ không gian.
Theo Bình Giang
Theo Livescience (TPO)