Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Hôm nay, Việt Nam đón đêm mưa sao băng lớn nhất năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn mưa sao băng từ vật thể liên quan đến nguồn gốc sự sống Trái Đất sẽ đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14-12.

Theo trang Time and Date, với góc nhìn từ TP HCM, vào đêm 13, rạng sáng 14-12, những người quan sát bầu trời có thể chứng kiến đến 150 ngôi sao băng mỗi giờ khi mưa sao băng Geminids đạt cực đại.

Số sao băng này khiến nó chiếm "ngôi vương" trong số các trận mưa sao băng đã xuất hiện trong năm 2024.

Một đêm mưa sao băng Geminids - Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE
Một đêm mưa sao băng Geminids - Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE

Geminids là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm và đáng tin cậy.

Tuy không có những năm bùng nổ bất thường đến mức "bão sao băng" như một số trận mưa sao băng khác, nhưng Geminids sẽ đảm bảo những màn trình diễn ánh sáng ổn định qua các năm, với ít nhất 120-150 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm cực đại.

Để quan sát Geminids, bạn nên để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút và hướng mắt về phía chòm sao Song Tử.

Vị trí phát ra mưa sao băng sẽ ở ngay phía trên cánh tay đang dang ra của một trong 2 chàng trai, là hình ảnh mà chòm sao này tạo thành trên bầu trời.

Vị trí phát ra mưa sao băng Geminids như được nâng lên bởi cánh tay của một trong 2 chàng trai - hình ảnh chòm sao Song Tử tạo nên - trên bầu trời - Ảnh: Stellarium/ABC
Vị trí phát ra mưa sao băng Geminids như được nâng lên bởi cánh tay của một trong 2 chàng trai - hình ảnh chòm sao Song Tử tạo nên - trên bầu trời - Ảnh: Stellarium/ABC

Song Tử có tên tiếng Latin là Gemini, đó cũng là lý do trận mưa sao băng này được đặt tên là Geminids.

Tuy vậy, nguồn gốc thực của Geminids là một trong những vật thể cổ quái nhất Thái Dương hệ: 3200 Phaethon.

3200 Phaethon là một tiểu hành tinh cổ xưa thuộc nhóm carbonaceous chondrites (CC), là những vật thể cổ xưa hơn cả Trái Đất và mang vật liệu của hệ Mặt Trời sơ khai.

Loại tiểu hành tinh này đem lại cơ hội để nhân loại hiểu thêm về nguồn gốc của địa cầu cũng như những hạt mầm đầu tiên của sự sống.

Tiểu hành tinh này mất khoảng 1,4 năm để quay quanh Mặt Trời. Tuy không phải sao chổi, nhưng nó vẫn để lại một chiếc đuôi đá bụi dày đặc.

Mưa sao băng Geminids được tạo ra mỗi khi đi ngang chiếc đuôi đá bụi này dịp cuối năm.

Nếu bạn bỏ lỡ đêm cực đại, đừng vội lo lắng. Trận mưa sao băng này sẽ còn rơi cho đến ngày 20-12, cho dù yếu dần đi sau đêm nay.

Nếu bạn cố gắng quan sát ngay trong 1-2 đêm sau đêm cực đại, lượng sao băng rơi xuống vẫn còn tương đôi dày đặc.

Trước đó, những ngôi sao băng Geminids đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện rải rác từ ngày 4-12.

Cuối năm 2024, chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng thêm mưa sao băng Ursids cũng như vài ngày khởi đầu của mưa sao băng Quadrantids.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm