(GLO)- Cách đây khoảng 12 năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Kế hoạch cuộc vận động “2 không” gồm nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (năm học 2006-2007). Tuy mỗi năm học sau đó, ngành GD-ĐT cả nước đều có đánh giá về việc thực hiện kế hoạch này từ cấp cơ sở trường học trở lên nhưng hiện tượng tiêu cực trong thi cử vẫn nảy sinh, bệnh thành tích vẫn tồn tại trong các trường học.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã công nhận trong số những áp lực đối với giáo viên, nặng nề nhất vẫn là bệnh thành tích. (ảnh minh họa, nguồn internet) |
Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến những áp lực đang đè nặng lên mỗi giáo viên. Năm nào cũng điệp khúc đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm… Điều đó khiến giáo viên phải loay hoay đối phó để giữ thế cân bằng cho mình mà yên bề gắn bó với nghề. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã công nhận trong số những áp lực đối với giáo viên, nặng nề nhất vẫn là bệnh thành tích. Cuộc tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 14-12-2018 đã bàn đến nhiều giải pháp giảm bớt áp lực đối với giáo viên. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo rà soát lại tất cả chỉ tiêu, hồ sơ sổ sách mà thầy-cô giáo đang phải thực hiện để nghiên cứu “giảm tải” và sắp tới “Kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Thà làm một giáo viên tốt hơn là một giáo viên giỏi về hình thức”. Tuy đây mới là ý kiến trong cuộc bàn luận chứ chưa đi vào thực tiễn, nhưng với tư cách người đứng đầu ngành GD-ĐT cả nước, Bộ trưởng đã nhìn thấy vấn đề và sẽ có giải pháp tháo gỡ cho giáo viên trong thời gian sắp đến.
Trên thực tế, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học, ngành học từ cơ sở trở lên ban đầu vẫn có nhiều yếu tố tích cực, nhưng sau đó ngày càng mang tính hình thức, “diễn” nhiều hơn là thực dạy nên không thu hút giáo viên nhiệt tình tham gia. Mới đây, một hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS của tỉnh Gia Lai được tổ chức khá hoành tráng. 172 giáo viên THCS từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện (2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện mới được dự thi cấp tỉnh) đã tham gia dự thi ở 12 môn học với 3 vòng thi, kể cả xét sáng kiến kinh nghiệm. Phải thừa nhận là việc tổ chức một kỳ thi như thế khá kỳ công, tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, tiền bạc. Nhưng thực tế kết quả thu lại có được như điều mong muốn của ngành là “đánh giá thực trạng đội ngũ”? 146/172 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh lần này chưa đủ nói lên điều gì.
Theo các chuyên gia giáo dục, để đánh giá một giáo viên giỏi là cả một quá trình dạy học mà thành quả cuối cùng là sản phẩm đào tạo có đáp ứng được mục tiêu giáo dục hay không. Không thể chỉ căn cứ vào vài tiết dạy mang tính biểu diễn, có chuẩn bị công phu cộng với vài câu lý thuyết và một sáng kiến kinh nghiệm đúc kết vội vàng, thiếu yếu tố khoa học… là có thể trở thành người dạy giỏi suốt đời. Cần nghiên cứu các tiêu chí sát hợp hơn, thực tế hơn để đánh giá đội ngũ giảng dạy của mình, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên một cách thiết thực hơn, không nên sa vào bệnh thành tích.
Bùi Quang Vinh