Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Giảm nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam là một trong 6 quốc gia hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa nghèo cùng cực và được Liên hợp quốc ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu nên kết quả này được cho là chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Đảng và Nhà nước ta đã cam kết thay đổi cơ chế chính sách nhằm đạt hiệu quả thực chất hơn của chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn tới để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở hầu khắp các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước từ 58% năm 1993 giảm xuống còn khoảng 5% cuối năm 2015 (theo chuẩn cũ). Trung bình mỗi năm giảm 2%. Tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói đã được xóa bỏ. Từ một nước nghèo, chúng ta đã vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của Việt Nam dù được đánh giá là nhanh nhưng chưa bền vững. Rốn nghèo vẫn tập trung ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khu vực Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước với 34,52%, tiếp theo là miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%). Những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là: Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%). Cá biệt ở một số huyện, hộ nghèo còn trên 50%, có xã hộ nghèo chiếm trên 90%. Điều đáng nói là cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh. Chỉ cần sau một trận bão, sau một đợt lũ lụt, ốm đau, mất mùa là những hộ vừa thoát nghèo đã trở lại diện đói nghèo .

Sau hơn 30 năm đổi mới, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể. Vì thế, quan niệm về đói nghèo cũng đã thay đổi. Xóa nghèo không chỉ đơn thuần là giúp người dân có cơm ăn áo mặc, mà phải tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội tối thiểu như: bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ trẻ em đến trường, được tiếp cận các phương tiện thông tin giải trí… Chương trình giảm nghèo đa chiều được xem là sự thay đổi mang tính quyết định về cách tiếp cận chính sách, giải pháp mới nhằm nhìn nhận chính xác thực trạng đói nghèo của đất nước. Chúng ta chấp nhận con số hộ nghèo 10% trong năm 2016 (cao hơn tỷ lệ 5% hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn cũ). Đó là sự chấp nhận cần thiết để các giải pháp đưa ra thực tế, căn cơ hơn, nhằm đạt kết quả giảm nghèo bền vững hơn.

Cũng với cách tính này, tỉnh Gia Lai còn 16,55% hộ nghèo và 8,97% hộ cận nghèo. Tuy có thấp hơn mức bình quân của khu vực Tây Nguyên (17,14%) nhưng lại cao hơn gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước. Đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,95% vào cuối năm nay, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng quyết liệt thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là giảm số hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hãy cho người nghèo cái cần câu, thay vì cho con cá. Đó là cách tiếp cận đúng nhất để giảm nghèo bền vững. Để làm được việc ấy, không chỉ đòi hỏi sự hoàn thiện về chính sách giảm nghèo, nguồn vốn hỗ trợ sinh kế, mà còn cần ở sự chu đáo, tận tâm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Thay vì cho không, tiêu cho hết tiền dự án, cần tiến tới cho vay có điều kiện, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo; khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cùng với cả nước, Gia Lai quyết tâm “giảm nghèo bằng mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau”. Để làm được điều này, tỉnh sẽ gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới; ngăn chặn tình trạng các xã “chạy” vào diện khó khăn để được Nhà nước hỗ trợ, đồng thời biểu dương tinh thần chủ động xin ra khỏi danh sách xã nghèo, nếu đủ điều kiện, dành nguồn lực ưu tiên cho những địa phương khác; đa dạng hóa các hình thức giúp người nghèo như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm