Giám sát tình hình quản lý các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tại Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-8, đoàn giám sát do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại huyện Chư Prông về tình hình quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Chư Prông. Ảnh: Quang Tấn

Sau khi đi khảo sát thực tế tại 5 doanh nghiệp chế biến gỗ tại địa bàn huyện Chư Prông, đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND huyện. Theo báo cáo của UBND huyện Chư Prông, toàn huyện hiện có 27 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động; trong đó có 15 doanh nghiệp hoạt động ngành nghề mua bán, chế biến gỗ và 12 cơ sở mộc dân dụng.

Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng nội dung Công văn số 2254/UBND-NL ngày 20-6-2017 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý các cơ sở mua bán, chế biến gỗ.

Công tác kiểm tra các doanh nghiệp mua bán, chế biến gỗ, cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn cũng được UBND huyện quan tâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường thực hiện.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 7 đợt kiểm tra đối với tất cả các cơ sở trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức 3 đợt kiểm tra. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết cơ sở mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật; không có dấu hiệu vi phạm về việc đưa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp vào mua bán, chế biến.

Nhìn chung, các doanh nghiệp mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn huyện hoạt động cầm chừng; nguồn gốc gỗ chủ yếu do các doanh nghiệp nhập khẩu, thu dọn lòng hồ thủy điện Ia Mơr, khai thác từ các vườn cao su, cà phê tái canh... Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ không có sổ nhập, xuất lâm sản hoặc nếu có cũng không ghi chép thường xuyên.

Đoàn khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Thương Mại Tâm Phúc Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Thương mại Tâm Phúc Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn


Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện, các cơ quan liên quan của huyện cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng kiểm tra, thanh tra cũng như quy chế phối hợp kiểm tra nhằm quản lý tốt tình hình mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn.

Đặc biệt, UBND huyện trong chức năng, quyền hạn của mình cần nhanh chóng phối hợp tổ chức kiểm tra cơ sở chế biến gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Phát Lợi-Chi nhánh Gia Lai (thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn) và báo cáo lại cho đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại cơ sở chế biến gỗ của doanh nghiệp này nhưng không thể vào vì không có người mở cửa. Thời điểm đó, phía trong cơ sở vẫn nghe tiếng máy cưa hoạt động và người đại diện doanh nghiệp này cũng không nghe điện thoại của đoàn.

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm