Thời sự - Bình luận

Giảm tiền điện lúc này là "khoan thư sức dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được giảm tiền điện từ 10-15% cho hoá đơn tháng 8 và tháng 9. Đó là nội dung của Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Ước tính, tổng số tiền mà các hộ được giảm vào khoảng 2.500 tỉ đồng.

Chưa kể, đối với các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly y tế sẽ được giảm 100% tiền điện.

Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời vào lúc này, khi mà người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đây cũng là một cách để người dân thêm sự an tâm “ở yên” trong nhà, chấp hành các quy định của chính quyền.

Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, đã thực hiện giảm tiền điện lần thứ tư kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Ngân sách nhà nước dù còn eo hẹp cũng tính toán gồng gánh để giảm bớt được khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Mỗi gói hỗ trợ là một sự tiếp sức, thêm một sự miễn giảm tiền điện cũng là “khoan thư sức dân”.

Nhưng trách nhiệm với dân còn ở phía trước, việc lo cho “người dân đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc” là một mệnh lệnh, các địa phương phải thực hiện cho bằng được.

Công nhân lao động ở các tỉnh, thành phố công nghiệp bị thất nghiệp do nhà máy đóng cửa, họ không có tích lũy, nếu không có cái ăn thì làm sao có thể ở yên được. Những người lao động tự do kiếm cái ăn từng ngày đang bó gối ngồi trong nhà, sẽ không thể cầm cự quá lâu hằng tháng trời. Cho nên, địa phương phải thật sâu sát, đi đến từng nhà, gõ từng cửa, nắm danh sách từng người nghèo để cung cấp, tiếp tế lương thực, trao tiền từ các gói hỗ trợ, đó mới làm tròn trách nhiệm với dân. Có một điều chắc chắn, nếu chúng ta khai thác các nguồn lực, từ Chính phủ, các địa phương, các tổ chức thiện nguyện, các nhà tài trợ, thì sẽ lo được cho dân đủ ăn đủ mặc trong lúc này.

Vấn đề còn lại là chính quyền có tổ chức tốt hay không, cán bộ cơ sở có tận tâm tận lực lo cho dân, không bỏ sót một ai hay không?

Dân không đòi hỏi nhiều, chỉ cần đủ sống qua ngày và điều cần hơn chính là sự có mặt của cán bộ chính quyền khi dân gọi đến.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giam-tien-dien-luc-nay-la-khoan-thu-suc-dan-937228.ldo
 

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm