Thời sự - Bình luận

Giảm VAT: Đừng "chặc lưỡi", 49.000 tỉ tiền chứ không ít

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi Trạm thu phí Pháp Vân đã giảm phí 2% VAT, xuống còn 63.000 đồng, thì chẳng hạn Trạm Mỹ Lộc “vẫn 15.000 đồng”. Và đó là ngày 2.2.2022, khi chính sách giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% đã chính thức có hiệu lực.
Chính sách kích cầu qua việc giảm thuế, trên lý thuyết sẽ khiến mọi mặt hàng đều giảm giá, kể cả một quả dưa. Ảnh: Ngọc Lê
Chính sách kích cầu qua việc giảm thuế, trên lý thuyết sẽ khiến mọi mặt hàng đều giảm giá, kể cả một quả dưa. Ảnh: Ngọc Lê
Chính sách giảm thuế VAT, như một công vụ kích cầu tiêu dùng, giảm khó khăn cho dân có những “bí mật hay ho”. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ban đầu Bộ Tài chính tính toán mỗi năm chỉ giảm 1% VAT, nhưng trước những khó khăn có thể lường trước, mức giảm chính thức được đề xuất và quyết định là 2%, thực hiện ngay từ 1.2.2022 để “tạo tiền đề cho kích cầu tốt hơn của năm 2023 và nền kinh tế bật lên”.
Chính phủ, tính toán từng ngày, thực hiện nhanh nhất..., đã dành độ trễ để các đơn vị, doanh nghiệp có thời gian thực hiện.
Nhưng chi tiết “chỗ giảm, nơi không” hay “một vài ngàn giảm phí” tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ, nhưng đang cho thấy cái khó, và khó nhất là việc duy trì kiểm tra, kiểm soát để việc giảm thuế thật sự là kích cầu, thực sự trở thành một biện pháp tạo sức bật cho nền kinh tế.
Huống chi trạm BOT với việc việc “áp dụng 4.0” trong việc thu phí, nhẽ ra phải là nơi thực hiện trơn tru, hoàn hảo nhất.
Trong thiết kế chính sách lần này, việc giảm thuế VAT được đánh giá rất cao khi tác động của việc giảm thuế là cực kỳ rõ ràng mà mỗi người dân có thể kiểm soát được.
Bởi nếu việc miễn, giảm thuế trước đây chỉ tập trung vào các loại thuế trực thu, chẳng hạn thuế thu nhập doanh nghiệp - thì chính sách lần này giảm thẳng vào VAT là thứ thuế gián thu... Tác động tới tất cả các giao dịch trên thị trường.
Yếu tố “tiền đề” và “sức bật” mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói tới là ở chỗ việc giảm thuế tạo điều kiện người cung cấp hàng hoá/dịch vụ không tăng giá thành sản phẩm trong sức ép chi phí tăng cao. Trong khi người dân, trong vai trò người tiêu dùng, nhóm trong suốt 2 năm qua bị ảnh hưởng thu nhập/việc làm, có thể tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân nếu không “chặc lưỡi”.
Nói chặc lưỡi là vì, chẳng hạn với việc chỉ được giảm vài trăm, vài ngàn đồng từ việc giảm phí qua trạm rất dễ dẫn đến những cái chặc lưỡi cho qua.
Nhưng phép cộng của những cái chặc lưỡi ấy lên tới 49.000 tỉ, là 2% chi tiêu chứ không phải ít.
Nhà nước “cho tiền”- một cách nói đúng bản chất của việc giảm thuế. Nhưng nếu người dân chúng ta “chặc lưỡi”, có nghĩa là chúng ta đang từ chối quyền lợi mà mình được hưởng, thậm chí còn gián tiếp làm triệt tiêu yếu tố kích cầu trong việc giảm thuế.
Hãy đòi hỏi hoá đơn, hãy tự kiểm tra việc số tiền giảm thuế, đó vừa là cách tiết kiệm 2% chi tiêu vừa là... yêu nước.
ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm