Thực trạng giang hồ ngang nhiên chiếm đất và cố tình tạo ra tranh chấp trên địa bàn quận đã đến lúc báo động.
Phó chủ tịch UBND Q.9 (TP.HCM) xác nhận, tình trạng giang hồ ngang nhiên chiếm đất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua là đáng báo động, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Căn nhà lá, nhà tôn của nhóm người xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm tại P.Trường Thạnh, Q.9 - Ảnh: Mã Phong |
Ngang nhiên chiếm đất
Trường hợp điển hình, mới đây, chị Cao Thị Ngọc Quỳnh (27 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9) gửi đơn cầu cứu lên UBND Q.9, Công an Q.9, Công an TP.HCM trình bày về việc bị nhóm người lạ mặt ngang nhiên vào chiếm đất và xây dựng trái phép. Chị đã trình báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhưng cho đến nay chưa giải quyết thỏa đáng.
Theo chị Quỳnh, năm 2015 và 2016, chị mua lại đất cạnh bờ sông Tắc của 3 hộ dân tại P.Trường Thạnh (Q.9). Tất cả số đất mua của 3 hộ dân nói trên, chị Quỳnh đều làm thủ tục sang tên, đóng thuế hợp pháp. Hiện nay, chị đã được Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây dựng và Sở GTVT có văn bản đồng ý việc xây bờ kè chống sạt lở trên phần đất của mình. Thế nhưng, khi công nhân vào xây dựng thì bị nhóm người lạ mặt cản trở và đe dọa không cho triển khai. Không dừng lại ở đó, nhóm người này chiếm đất, san lấp, rào chắn và tiến hành xây dựng nhà tạm trái phép trên thửa đất số 615, tờ bản đồ số 15 mà chị đã được cấp sổ. “Họ rất hung hăng, đe dọa chúng tôi và công nhân xây dựng. Sự việc chúng tôi đã báo lên UBND P.Trường Thạnh, UBND Q.9 và Công an Q.9. UBND phường đã xuống hiện trường, lập biên bản và yêu cầu nhóm người này giữ nguyên hiện trạng không được xây dựng trái phép. Tuy nhiên, nhóm người này không tuân thủ và xem thường pháp luật, đến nay vẫn tiếp tục xây dựng nhà và các công trình khác trên phần đất lấn chiếm”, chị Quỳnh bức xúc.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND Q.9, xác nhận UBND quận đã nhận được đơn phản ánh của người dân và doanh nghiệp về việc bị giang hồ ngang nhiên lấn chiếm đất và cố tình tạo ra tranh chấp để đòi hỏi quyền lợi. Qua xác minh, sự việc của chị Quỳnh là có thật, nhóm người này không chỉ lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất của chị Quỳnh, đất lộ giới đường sông tại P.Trường Thạnh mà trước đó cũng đã chiếm đất của một công ty trên đường Võ Chí Công, P.Phước Long B. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp, UBND Q.9 đã chỉ đạo các phòng, đội nghiệp vụ, UBND phường liên quan vào cuộc xác minh, đình chỉ các công trình xây trái phép trên đất lấn chiếm.
Chiêu thức giang hồ, đe dọa cả chính quyền
Theo ông Tuấn Anh, nhóm người này thường tìm hiểu những miếng đất chưa có thửa, đất lộ giới đường sông hoặc đất của dân, doanh nghiệp đã đền bù nhưng để trống thì cho người vào lấn chiếm, rồi tìm đến những chủ đất cũ thỏa thuận mua bán bằng giấy tờ viết tay. Sau đó, nhóm người này mang giấy tờ tay đi làm hồ sơ xin đóng thuế, tìm cách chứng minh đất có canh tác, có nguồn gốc để... xin tách thửa, làm giấy tờ. Bên cạnh đó, chúng lén lút xây dựng nhanh những công trình tạm bợ không phép trên khu đất lấn chiếm. Khi chủ đất hoặc doanh nghiệp vào xây dựng thì nhóm người này cản trở, đe dọa để tạo ra tranh chấp... và cuối cùng là đòi đền bù giá cao. Không chỉ dừng lại đó, có trường hợp khi UBND phường xuống giải quyết thì nhóm giang hồ còn đe dọa cả chủ tịch và cán bộ phường.
Theo ông Tuấn Anh, liên quan đến việc nhóm người ngang nhiên chiếm đất, xây dựng không phép, UBND Q.9 đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế nhiều trường hợp. “Thực trạng giang hồ ngang nhiên chiếm đất và cố tình tạo ra tranh chấp trên địa bàn quận đã đến lúc báo động. Sự việc gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn. UBND Q.9 đã chỉ đạo Công an Q.9 vào cuộc điều tra những người tham gia đường dây lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên địa bàn”, ông Tuấn Anh nói.
Có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nếu hành vi của nhóm người vi phạm nói trên lấn chiếm và xây dựng trái phép, nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có dấu hiệu của tội "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo điều 228 bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào lấn chiếm đất hoặc sử dụng đất trái các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Ngoài ra, nếu nhóm vi phạm này lấn chiếm đất, xây dựng trái phép thành công, bán cho người khác để chiếm đoạt tiền thì tội danh lúc này có thể chuyển thành "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phan Thương-Mã Phong (thanhnien)