Xã hội

Đời sống

Giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư bộc lộ khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2021, Gia Lai đã bắt đầu triển khai thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng lợi. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai chủ trương này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 648.278 ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên khoảng 478.749 ha, rừng trồng khoảng 155.522 ha và rừng trồng chưa thành rừng khoảng 14.005 ha. Rừng và đất rừng phân bổ tại các địa phương và do các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ. Những năm trước, việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư chủ yếu thực hiện từ các chương trình, dự án thí điểm, trong đó tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao 15.650 ha rừng cho 6 huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông và Krông Pa. Tuy nhiên, kết quả thực tế rừng được giao là trên 11.291 ha, đạt 72,15% cho 25 cộng đồng và 70 hộ gia đình. Diện tích không đưa vào giao rừng là 4.358 ha, hiện đất chưa có rừng và người dân đang sản xuất. Đặc biệt, những diện tích này manh mún, nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện giao và một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các chương trình dự án từ năm 2008.

Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn các hộ dân kiểm tra diện tích rừng được giao. Ảnh: Nguyễn Diệp

Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn các hộ dân kiểm tra diện tích rừng được giao. Ảnh: Nguyễn Diệp

Năm 2022, 8 huyện gồm: Chư Pưh, Chư Păh, Đak Đoa, Kông Chro, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ và Ia Pa được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng với tổng diện tích 6.851,38 ha. Tuy nhiên, diện tích giao rừng thực tế chỉ là 5.258,98 ha cho 9 cộng đồng và 211 hộ gia đình; còn lại 1.592,4 ha không đưa vào giao do đất chưa có rừng, một số diện tích có tranh chấp, chồng lấn.

Theo ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: Quá trình giao rừng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản phúc đáp về những vướng mắc trong quá trình giao rừng năm 2022. Tuy nhiên, nội dung vẫn chưa đảm bảo theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013 để UBND huyện có cơ sở thực hiện đồng bộ giữa giao rừng và giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi Luật Đất đai năm 2013 không quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ phát triển rừng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 không quy định giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư mà chỉ giao cho tổ chức quản lý rừng.

Điều này đã hạn chế, ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi được giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất rừng phòng hộ đối với những nơi chưa có tổ chức. Từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng thừa kế, cho tặng, góp vốn thế chấp theo quy định của Luật Đất đai.

“Ngoài ra, theo quy định thì rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ không được cấp, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cũng không có ràng buộc. Đặc biệt, theo bảng giá đất năm 2020-2024 thì đất rừng sản xuất ở một số xã trên địa bàn huyện có giá 140 triệu đồng/ha nên khi giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ xảy ra các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn… Vì vậy, không đảm bảo yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng như gây thất thoát nguồn thu”-ông Phụng cho hay.

Trong khi đó, huyện Chư Prông chỉ thực hiện giao rừng mà không giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hộ gia đình. Bởi lẽ, Luật Đất đai 2013 quy định: “Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ” và không quy định giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Còn huyện Kông Chro chưa thực hiện giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các đơn vị tham gia phối hợp kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định yêu cầu xây dựng hồ sơ giao đất gắn giao rừng phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phải được kiểm tra, thẩm định theo Thông tư số 49/2016/ TT-BTNMT ngày 28-12-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, dự toán kinh phí của kế hoạch giao rừng năm 2022 trên địa bàn huyện Kông Chro không có phần kinh phí kiểm tra, thẩm định nên việc giao đất gắn với giao rừng không thực hiện được.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phối hợp cùng các hộ nhận khoán phát dọn thực bì. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phối hợp cùng các hộ nhận khoán phát dọn thực bì. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Giao rừng là chủ trương mới nên còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, một số hộ dân không nhận rừng như đã đăng ký ban đầu và không có nhu cầu nhận rừng nên các địa phương chưa xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng. Năm 2021, có 6 địa phương đăng ký giao rừng nhưng chỉ có huyện Krông Pa hoàn thành việc giao rừng gắn liền với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong năm 2022, các địa phương cũng đã thực hiện giao rừng, riêng huyện Chư Păh thì chưa thực hiện. Nguyên nhân việc giao rừng gặp khó là do các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã khu vực 1 có tham gia nhận rừng bảo vệ và phát triển rừng nhưng không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, diện tích rừng do UBND các xã quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo, sản phẩm tận thu dưới tán rừng ít, trong khi nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng có nơi không có hoặc rất thấp 50-70 ngàn đồng/ha, do đó không thu hút người dân tham gia. Ngoài ra, tại một số địa phương, diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ, xa khu dân cư nên việc vận động người dân tham gia nhận rừng gặp khó khăn.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng để đảm bảo đến năm 2030 diện tích rừng của tỉnh đều có chủ. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư về quyền và nghĩa vụ trong giao rừng để đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn hộ gia đình, cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của Nhà nước. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn theo dõi, giám sát cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao phát triển sản xuất nông lâm kết hợp đảm bảo diện tích rừng được giao sinh trưởng phát triển tốt”-ông Hà thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm