Đô thị

Nhịp sống Đô thị

“Giao thông đi trước mở đường”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc hoàn thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường liên huyện được xem là bước đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, gia tăng kết nối giữa các địa phương để phát triển nhanh và bền vững.

Những tuyến đường kết nối

Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông dài 114 km với tổng mức đầu tư 880 tỷ đồng đã phát huy vai trò kết nối tuyến quốc lộ 14, 19 và các tỉnh lộ 661, 663, 664, 665, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các địa phương nằm dọc trên tuyến, cải thiện đáng kể chất lượng hệ thống giao thông khu vực.

Đặc biệt, tuyến đường không những liên kết vùng khó với vùng thuận lợi, mở ra hướng vận tải mới mà còn hình thành mạng lưới giao thông khép kín kết nối các huyện phía Tây của tỉnh, tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương.

Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-nhận định: Việc hình thành hệ thống đường vành đai đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, hình thành và phát triển các đô thị, điểm dân cư mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

“Giao thông kết nối liên khu vực đã tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thông suốt. Đặc biệt, việc tháo gỡ “nút thắt” giao thông đã giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, sửa sang nhà cửa, hàng quán để mở rộng kinh doanh”-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhấn mạnh.

Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Pleiku đi qua các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương. Ảnh: M.N

Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Pleiku đi qua các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương. Ảnh: M.N

Trong khi đó, một tuyến đường huyết mạch khác là tỉnh lộ 665 cũng đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng với kỳ vọng tạo động lực phát triển vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Tuyến đường có tổng chiều dài 65 km (điểm đầu nối với quốc lộ 14, điểm cuối giao với quốc lộ 14C) đi qua địa bàn 6 xã của huyện Chư Prông (Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga, Ia Mơr) và kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Tổng mức đầu tư của dự án này là 508 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: “Tuyến đường gỡ bỏ thế bế tắc về giao thông, giúp việc vận chuyển nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Không những góp phần tạo động lực phát triển cho địa phương, tuyến đường mới còn giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập”.

Tương tự, từ khi Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cắm biển báo thông tin về việc triển khai Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa, người dân các xã: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng (huyện Mang Yang) vô cùng phấn khởi. Gói thầu xây dựng tuyến đường này có tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng với tổng chiều dài 33,3 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Đặc biệt, đối với người dân xã Kon Chiêng, dự án này đã được chờ đợi từ rất lâu. Bởi từ trung tâm xã Kon Chiêng đi xã Kon Thụp hướng ra trung tâm huyện còn một đoạn đường đất khoảng 10 km đi lại rất khó khăn. Mùa mưa thì trơn trượt, lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt.

Ông Đào Đình Thanh (làng Đak Ó, xã Kon Chiêng) cho biết: “Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Chúng tôi hy vọng tuyến đường sớm khởi công và hoàn thành để bà con vận chuyển nông sản thuận lợi, giảm tình trạng bị thương lái ép giá, học sinh đến trường cũng đỡ vất vả hơn”.

Tỉnh lộ 666, đoạn từ xã Kon Thụp đi xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) còn khoảng 10 km đường đất đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: M.N

Tỉnh lộ 666, đoạn từ xã Kon Thụp đi xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) còn khoảng 10 km đường đất đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: M.N

Theo ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng: Tỉnh lộ 666 dài 60,5 km, có điểm đầu nối với quốc lộ 19 (đoạn xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông (đoạn qua xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho kinh tế-xã hội các địa phương phát triển.

Đây là đoạn đường huyết mạch nối Kon Chiêng với các xã lân cận, trung tâm huyện Mang Yang và huyện Ia Pa, Kông Chro.

“Trước đây, tuyến đường này xuống cấp nặng nề, đi lại khó khăn khiến xã thường xuyên bị cô lập. Giờ trên tuyến đã có cầu qua suối, người dân không còn nỗi lo nước lũ gây tắc đường mỗi khi mưa lớn.

Nếu tuyến đường sớm được nâng cấp sửa chữa sẽ dễ dàng kết nối trung tâm xã với tuyến tỉnh lộ huyết mạch, tiếp thêm động lực giúp địa phương phát triển”-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng nhận định.

Liên kết vùng, tạo động lực phát triển

Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển sản xuất, giao thương giữa các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội cả tỉnh nói chung.

Chính vì vậy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương gấp rút tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông. Tuyến đường có chiều dài 32,75 km với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng này đang gấp rút hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-nhận định: Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối vào tuyến đường liên huyện khác. Không chỉ tạo sự liên kết vùng khó mà còn mở ra hướng vận tải mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

“Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản, tạo động lực cho các thôn, làng vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Tứ khẳng định.

Nhiều tuyến đường liên huyện, xã, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kết nối vào các tuyến quốc lộ tạo thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: M.N

Nhiều tuyến đường liên huyện, xã, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kết nối vào các tuyến quốc lộ tạo thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: M.N

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động với các nhiệm vụ cụ thể.

Trước mắt, tỉnh tập trung vào hạ tầng giao thông, đó là các tuyến đường bộ mang tính kết nối, đột phá nhằm khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường liên huyện đã tạo nên một hệ thống giao thông liên kết chặt chẽ, kỳ vọng đem tới sức bật để tỉnh bứt phá trong tương lai.

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thông tin thêm: Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh có 16 công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 8.097 tỷ đồng.

Đây là những công trình giao thông huyết mạch được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm vùng thuận lợi, tạo nên trục giao thông liên hoàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Đáng chú ý là các dự án như: nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh, các hệ thống tỉnh lộ 664, 665, 666, 669; đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông; tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ; quốc lộ 14C giai đoạn 2…

Năm 2023, tỉnh đã khởi công hàng loạt công trình mới cũng như khẩn trương hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm chuyển tiếp. Với quan điểm “Giao thông đi trước mở đường” nên khi được Trung ương phân bổ vốn đầu tư, tỉnh khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 723 km, 10 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 372 km cùng kết nối với gần 11.088 km đường huyện, đường đô thị.

“Hạ tầng ngày một hoàn thiện, đặc biệt là những tuyến đường liên huyện đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực. Đây chính là điểm tựa để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận; mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm