Thời sự - Bình luận

Giao thông đi trước mở đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, tại hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông ĐBSCL.

 

Trải thảm nhựa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua huyện Cai Lậy, Tiền Giang
Trải thảm nhựa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua huyện Cai Lậy, Tiền Giang


Theo quy hoạch đến 2030, hệ thống giao thông vùng sẽ phát triển đột phá đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không và phát triển thêm mạng lưới đường sắt. Giao thông phải đi trước mở đường, dẫn dắt phát triển…

Để đột phá về giao thông, thời gian qua ĐBSCL được tập trung đầu tư, tạo diện mạo mới. Các trục dọc đường bộ huyết mạch, đường ngang; đặc biệt là các cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn… cùng các tuyến đường thủy, bến thủy, cảng biển và sân bay được đầu tư, nâng cấp, tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn.

Từ cuối năm 2020 đến nay, liên tục những tin vui liên quan việc quyết định chủ trương, bố trí vốn, khởi công và chạy nước rút các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo nhiều kỳ vọng cho người dân. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang về đích để đưa vào sử dụng dịp Tết Nhâm Dần 2022; các công trình cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công. Theo dự thảo Quy hoạch vùng, hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược là Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 400km, sẽ được ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025 nhằm tạo ra trục xương sống cao tốc mới.

Nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển thì “giao thông đi trước mở đường” của ĐBSCL vẫn đang vướng nhiều điểm nghẽn. Có ba nút thắt lớn, đó là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu “ngắt khúc”. Giao thông là mạch máu, là điều kiện vật chất và là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết nội vùng, liên vùng.

Đó là yêu cầu gắn kết giữa trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế; đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL với TPHCM, các vùng miền trong cả nước để cùng phát triển bền vững. Phê duyệt quy hoạch ĐBSCL - Bản quy hoạch vùng đầu tiên trong 6 vùng kinh tế - xã hội của đất nước, được lập theo Luật Quy hoạch với các “điểm son” hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng, nhưng quy hoạch tổng thể vùng cũng rất cần tích hợp đồng bộ với các quy hoạch ngành giao thông. Yêu cầu mang tính quyết định chính là việc tổ chức thực hiện quy hoạch.

Làm gì để hiện thực hóa? Cần thiết phải ưu tiên nguồn lực cho đầu tư giao thông vùng, hệ thống kết nối liên vùng và hạ tầng logistics. Quy hoạch cần hiện thực hóa bằng kế hoạch 5 năm, hàng năm; bằng chương trình, dự án đầu tư, bằng nguồn lực cụ thể, bằng giải pháp công trình lẫn phi công trình. Phải tìm ra lời giải cho bài toán giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông.

Về phía các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cần chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ, gắn kết phát triển địa phương với quy hoạch vùng, tận dụng tất cả cơ hội, giải pháp để phát triển. Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, từ đó quyết tâm tháo điểm nghẽn là mệnh lệnh phát triển.

Với tư duy mới trong phát triển vùng, yêu cầu kết nối nội vùng và liên vùng, chủ động bố trí vốn ngân sách và tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng để các ngành và địa phương chủ động huy động vốn đầu tư. Cánh cửa giao thông “đi trước mở đường” phát triển đang được kỳ vọng từ bản quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL và các quy hoạch ngành giao thông.

Theo TS TRẦN HỮU HIỆP (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm