Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao thông TP.HCM tăng tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cầu nối đôi bờ sông, nối đôi bờ kênh, nối đất liền với huyện đảo; đường nối cảng, nối cao tốc, nối hầm… đã lâu lắm rồi, ngành giao thông TP.HCM mới chứng kiến nhịp độ "nóng" như vậy từ các công trường.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, hạ tầng đô thị TP.HCM hứa hẹn một bước chuyển mình mạnh mẽ khi những công trình trọng điểm, huyết mạch lần lượt khởi công, lên hình, lên dáng.

Khởi động những cây cầu lịch sử

Ngày 4.12 ghi dấu mốc quan trọng cho TP.HCM khi chính thức ký tiếp nhận tài trợ cầu đi bộ từ Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood. Theo đó, Công ty Nutifood cam kết thực hiện đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ đảm bảo các quy định và theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phù hợp với phương án kiến trúc đã được TP phê duyệt vào tháng 10. Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ do Nutifood chi trả. Tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Như vậy, sau 12 năm lên ý tưởng và kế hoạch, người dân TP.HCM cuối cùng cũng sắp có cây cầu đi bộ vượt sông đầu tiên, nối từ trung tâm "cổ" (cuối đường Nguyễn Huệ, giao với Tôn Đức Thắng) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công trình nút giao An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Công trình nút giao An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, có lẽ đây là lần đầu tiên trên cả nước có trường hợp cơ quan nhà nước tiếp nhận một công trình có quy mô và giá trị lớn như vậy từ doanh nghiệp (DN). Trước đây, có nhiều địa phương được DN tài trợ một số công trình hạ tầng nhưng giá trị nhỏ hơn hoặc có gắn với các công trình đô thị đi kèm. Lãnh đạo TP đánh giá dự án cầu đi bộ do Nutifood tài trợ mang tính chất cầu dân sinh, có ý nghĩa cộng đồng cao và là điểm nhấn, gắn với di tích lịch sử của TP, hứa hẹn trở thành một trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai. Dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công chính thức vào ngày 30.4.2025 để chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.

Cùng ngày ký tiếp nhận cầu đi bộ ngàn tỉ từ DN, Sở GTVT cũng trình UBND TP kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối TP sáng tạo Thủ Đức với Q.7. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, nếu được thông qua thiết kế thì sẽ trở thành cây cầu đầu tiên của TP.HCM có thể điều chỉnh linh hoạt tĩnh không thông thuyền: khi hoạt động bình thường cầu sẽ có tĩnh không 15 m; khi có tàu lớn đi qua thì tĩnh không sẽ được nâng lên 45 m. Cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực Thủ Thiêm, Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung. Giống như cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, ngày 30.4.2025 cũng là đích mà Sở GTVT TP.HCM đang hướng tới để khởi công cầu Thủ Thiêm 4.

Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ mà người dân TP mòn mỏi chờ đợi suốt nhiều năm qua cũng vừa được Sở GTVT trình Hội đồng thẩm định TP. Theo thiết kế, cầu Cần Giờ được xây dựng theo dạng dây văng với ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước, quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/giờ. Ngoài cầu chính, trong dự án còn một số cầu nhỏ vượt sông Chà, tắc sông Chà và cầu rạch Mương Ngang. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 11.087 tỉ đồng. Sau khi hình thành, cầu Cần Giờ sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ hiện nay để trở thành cầu dây văng lớn nhất TP.HCM.

Mặc dù dự án chưa thể trình HĐND TP thông qua chủ trương ngay tại kỳ họp thứ 13 lần này, song ông Trần Quang Lâm cho biết Sở đã trình hồ sơ dự án qua Sở KH-ĐT, phấn đấu UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương dự án vào kỳ họp HĐND TP.HCM tiếp theo (đầu năm 2024). Nếu được thông qua, cầu Cần Giờ cũng sẽ khởi công vào năm 2025, cùng cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn hình thành nên 3 biểu tượng kiến trúc mới cho TP.HCM, nối liền những bờ vui.

"Dỡ chiếu" loạt cây cầu giao thông nội đô

Trong khi những cây cầu lớn, trọng điểm đang gấp rút chuẩn bị thủ tục thì tại từng quận, từng huyện, những cây cầu dân sinh sau nhiều năm "đắp chiếu" và trở thành các điểm đen ùn tắc, thì nay đang "chạy hết tốc lực" thi công về đích.

Mới nhất, H.Nhà Bè đã bàn giao phần mặt bằng cuối cùng để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) tái khởi công cầu Phước Long. Công trình nằm trên đường Phạm Hữu Lầu, bắc qua rạch Phú Xuân nối Q.7 và H.Nhà Bè, được khởi công năm 2020 nhằm thay thế cầu Phước Long hiện hữu quá nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên cây cầu thi công được khoảng hơn 40% thì phải tạm ngưng, để lại những mố trụ cầu dang dở, khiến khu vực vốn đã đông đúc chật chội, lại càng thêm nhếch nhác.

Vì thế, ngay khi nhận dần mặt bằng từ phía Q.7 và đến nay là 100% mặt bằng "sạch" từ H.Nhà Bè, Ban Giao thông lập tức tập kết rất nhiều máy móc cùng nhân công, tất bật thi công nhiều hạng mục để phấn đấu đưa công trình hoàn thành vào năm 2024. Cùng nhịp với cầu Phước Long, dự án cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương (nối Q.7 và H.Nhà Bè) có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng đang được đẩy nhanh thi công để hoàn thành cuối năm 2024, góp phần giảm kẹt xe cho khu vực cửa ngõ phía nam TP.

Trước đó, hàng trăm hộ dân H.Nhà Bè cũng vỡ òa trong niềm vui thông xe cầu Long Kiểng sau 2 thập niên mong ngóng. Dự án nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001, vì kẹt mặt bằng nên suốt 10 năm sau đó vẫn chưa thể khởi công. Phải đến tháng 8.2018, cầu Long Kiểng mới chính thức được đặt những viên gạch đầu tiên, trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ UBND H.Nhà Bè nhưng đến 20.12.2019, công trình lại phải tạm dừng, "treo cẩu" sau khi mới xây xong vài mố trụ. Suốt 2 thập niên công trình đình trệ cũng là ngần ấy thời gian người dân phải di chuyển qua cây cầu sắt cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nặng nề giờ tan tầm. Việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực này cũng bị hạn chế vì cầu cũ không gánh nổi xe tải trọng lớn, phương tiện vận chuyển hàng hóa phải tìm đường thay thế, tốn thêm nhiều chi phí. Từ khi có cầu mới đến nay, bà con đi lại thuận tiện, an toàn, cả khu vực cũng thông thoáng, khang trang hơn hẳn.

Bên cạnh đó, cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi, cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… hàng loạt công trình trọng điểm giải tỏa ùn tắc khu nam TP đang rầm rập thi công, chuẩn bị khởi công, hứa hẹn sớm "giải cứu" cầu Kênh Tẻ, cầu Rạch Đĩa 2…, đưa người dân thoát khỏi cảnh ngày ngày ken nhau xếp hàng trên đường đi học, đi làm.

Ở phía đông, cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức) cũng đã chính thức hợp long, nối nhịp sau 7 năm khởi công. Công trình ban đầu dự kiến đưa vào khai thác từ đầu năm 2018 để thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc nhằm tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, góp phần giảm kẹt xe tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm. Thế nhưng, do không có mặt bằng, cầu Nam Lý thi công được 40% tiến độ thì phải tạm dừng từ tháng 3.2019 và phải tới ngày 25.3 năm nay mới chính thức được tái khởi động.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, chia sẻ: Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án, từ khi nhận mặt bằng "sạch", Ban Giao thông đã cùng với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát quyết tâm vượt khó, tranh thủ từng khu vực mặt bằng được bàn giao để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Phía chủ đầu tư cũng phát động thi đua với hai mục tiêu: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, giải ngân, phấn đấu giải ngân trên 95% tổng vốn được giao của dự án trước ngày 31.12 và phấn đấu hoàn thành 100% khối lượng thi công, thông xe cầu Nam Lý vào ngày 2.9.2024.

Trong khi đó, những hộ dân trên đường Hoàng Sa - Trường Sa (khu vực Q.1, Q.Bình Thạnh) cũng đang ngóng chờ từng ngày cây cầu đi bộ đầu tiên bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành. Công trình nằm giữa cầu Thị Nghè và Điện Biên Phủ không phải là công trình của ngành giao thông TP mà nằm trong dự án cáp ngầm 220 kV Tao Đàn - Tân Cảng, do Công ty truyền tải điện Miền Nam làm chủ đầu tư. Đây là cầu đi bộ đầu tiên được xây trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với quy mô dài 100 m, rộng hơn 2 m, tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng.

Hiện cầu đã thành hình, tại công trường có nhiều máy móc đang được tập kết, công nhân đang thi công nốt những hạng mục cuối cùng. Cầu đi bộ dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024 để phục vụ người dân TP, vừa tăng cường kết nối, vừa tạo thêm cảnh quan cho một trong những dòng kênh lâu đời nhất TP.HCM đang thay da đổi thịt từng ngày.

Tạo đà cho năm 2024 đột phá

Chiều qua (8.12), HĐND TP.HCM đã xem xét, thông qua nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B, trong đó có 3 dự án đầu tư công nhóm A thuộc lĩnh vực giao thông gồm: Dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái nối Q.4 - Q.7; xây dựng nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) và Dự án xây dựng Vành đai 2 TP, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, dự án mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An, từ ngã 5 Bình Hòa đến cầu Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) cũng đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương tăng tổng mức đầu tư từ 677 tỉ đồng lên 1.067 tỉ đồng.

Với hiện trạng giao thông TP.HCM quá tải như hiện nay, mỗi con đường, cây cầu được khởi công, mở rộng, thông xe, khánh thành là một niềm vui lớn cho hàng ngàn hộ dân, hàng vạn con người ngày ngày "vật lộn" trên đường với ùn tắc, khói bụi. Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết thời gian qua, HĐND TP rất quan tâm, UBND TP rất ưu tiên vấn đề hạ tầng giao thông. Năm 2023 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, cũng là năm khởi sự một loạt công trình trọng điểm theo nghị quyết mới. Sẽ có những dự án được khai sinh theo cơ chế mới.

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án giao thông của TP, từ cao tốc đến các dự án BOT, BT… Khi danh mục dự án được thông qua, chủ trương đầu tư được phê duyệt, triển khai việc tổ chức kêu gọi đầu tư… thì 2024 hứa hẹn sẽ là một năm đột phá trong việc đầu tư hạ tầng giao thông của TP.HCM.

"Các chuyên gia đã khẳng định kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, trong đó có giao thông. Vậy nên, khi giao thông đã được tháo gỡ thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư", ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Các chuyên gia đã khẳng định kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, trong đó có giao thông. Vậy nên, khi giao thông đã được tháo gỡ thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm

4 dự án hơn 11.400 tỉ đồng vừa được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư

- Dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM) dài 2,5 km với tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ xây dựng hai đường song hành hai bên rộng 16,5 m, đáp ứng 3 làn xe, khoảng giữa rộng 34 m tạm thời để trống, trên tuyến còn có cầu Rạch Ngang dài 66 m và nút giao 3 tầng ở giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2. Dự kiến, đầu năm 2024 bắt đầu công tác bồi thường, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu. Dự án khởi công trong quý 3/2025 và hoàn thành quý 2/2027.

- Dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi qua 3 quận 1, 4 và 7, có tổng mức đầu tư 3.725 tỉ đồng. Dự án này có phần cầu dài gần 2,5 km, bề rộng từ 6,5 - 25,5 m và phần đường dài hơn 2,3 km rộng từ 26,5 - 61,5 m. So với thời điểm phê duyệt cách đây 7 năm chỉ 1.250 tỉ đồng, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 2.475 tỉ đồng. Trong năm 2024, dự án bắt đầu bồi thường, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để khởi công và đưa vào sử dụng năm 2027.

- Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức) dài 2 km từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, mở rộng từ 6 - 8 m lên 30 m với tổng mức đầu tư hơn 2.075 tỉ đồng. Dự kiến công trình được tổ chức đấu thầu, khởi công trong năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026.

- Dự án mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An, từ ngã 5 Bình Hòa đến cầu Chu Văn An (Q.Bình Thạnh). TP sẽ mở rộng đoạn đường dài 600 m, rộng 23 m và bổ sung thêm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 677 tỉ đồng lên 1.067 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Lý do chưa trình HĐND TP dự án xây cầu Cần Giờ

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết cầu Cần Giờ là công trình dây văng rất đặc biệt, là cầu vượt với nhịp chính thông thuyền 350 m vắt ngang và cao 55 m với một trụ hình cây đước. Về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn, vượt qua khúc sông với tĩnh không lớn nên phải bảo đảm tính khả thi về kinh tế. Do đó, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT về tĩnh không và luồng hàng hải qua sông Soài Rạp. Ngoài ra, Sở cũng cần lấy ý kiến tham vấn từ Hội đồng Kiến trúc TP. Vì vậy, Sở GTVT không kịp trình dự án xây dựng cầu Cần Giờ trong kỳ họp HĐND TP lần này.

Có thể bạn quan tâm