Giáo xứ Tiên Sơn: Nêu cao tinh thần "tốt đời-đẹp đạo"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giáo xứ Tiên Sơn hiện có gần 400 hộ với trên 2.000 giáo hữu sinh sống ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku) và các xã lân cận. Chức sắc, chức việc và bà con giáo dân luôn nêu cao tinh thần lương-giáo đoàn kết, tích cực sản xuất, cùng nhau sống “tốt đời-đẹp đạo”.
Trước năm 1975, Giáo xứ Tiên Sơn là xóm đạo của những người nông dân nghèo khó từ các tỉnh miền Trung lên Pleiku lập nghiệp. Từ năm 1975 đến nay, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân thêm yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do sinh hoạt tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cải thiện. Bà con cũng tự nguyện và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, đóng góp xây dựng quỹ tình thương, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo... 
 Nhà thờ Giáo xứ Tiên Sơn (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: H.C
Nhà thờ Giáo xứ Tiên Sơn (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: H.C
Năm 2016, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp và Giáo hạt Pleiku, bà con giáo dân đã đóng góp xây dựng nhà thờ rộng hơn 1.000 m2 và nhà xứ, nhà học giáo lý, khu vui chơi giải trí trong khuôn viên có diện tích gần 15.000 m2. “Có việc làm ổn định, có nơi sinh hoạt tôn giáo trang nghiêm, bà con giáo dân càng thêm kính Chúa, yêu nước. Dịp Tết Nguyên đán, ngày Giáng sinh, đại diện chính quyền địa phương đến nhà thờ chúc mừng, tặng quà, thăm hỏi, nắm bắt nguyện vọng của chức sắc, chức việc và giáo dân trong vùng. Những việc làm thiết thực này đã giúp tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết giữa đạo và đời, giữa tình thương yêu bác ái và trách nhiệm thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước”-ông Thái Văn Hiếu-Trưởng ban Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tiên Sơn-phấn khởi chia sẻ.
Về Giáo xứ Tiên Sơn hôm nay, thật vui mừng khi nhận thấy bà con hào hứng nêu gương những công dân tốt, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Giáo dân còn sôi nổi trao đổi kinh nghiệm làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hay bàn luận những câu chuyện về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, phổ biến kiến thức pháp luật... Chị Nguyễn Thị Ái Thương (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn) tự hào nói: “Giáo xứ Tiên Sơn thoáng đãng, xanh tươi, sạch đẹp luôn rộng cửa chào đón mọi người tới thăm và sinh hoạt tôn giáo. Giáo dân đều coi đây là ngôi nhà chung thân thiết của mình”. 
Xã Tân Sơn, nhất là khu vực Giáo xứ Tiên Sơn, có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người thuần hậu nên kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá tốt. Các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám tang đều được bà con tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Bà con tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, tránh xa thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội. Nhiều nông dân là người công giáo đã trở thành tỷ phú như gia đình các ông: Nguyễn Văn Thanh, Ngô Văn Cộng, Bùi Đặng Trường Chinh (thôn Tiên Sơn 1), Nguyễn Thanh Bình, Thái Văn Ngọc, Trần Văn Hiệu (thôn Tiên Sơn 2), Anhuil, Pil (làng Tiêng 1), Huynl, Riay (làng Tiêng 2)... “Người công giáo xã Tân Sơn còn tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”-ông Nguyễn Quốc Vinh-Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết. 
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm