Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Gieo con chữ, sáng niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 30 năm công tác tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh), cô giáo Hồ Thị Thùy Trang không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà luôn dành sự yêu thương cho các thế hệ học trò và người dân vùng khó.

Từ năm 2022 đến nay, cô mở lớp học xóa mù chữ với mong muốn góp phần gieo con chữ, thắp sáng niềm tin cho bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.

1logo.jpg

Nặng lòng với lớp xóa mù chữ

Đã thành thông lệ, 19 giờ các tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng làng Kuăi lại sáng đèn.

Bà con trong làng tập trung về đây tham gia lớp xóa mù chữ do cô giáo Trang giảng dạy. Sau những lời chào hỏi, tất cả nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, bắt đầu học tập. Mọi người không ai bảo ai đều chăm chú lật giở trang vở, ngồi nắn nót từng nét chữ. Một chị địu đứa con nhỏ sau lưng, cặm cụi làm phép tính cộng, trừ…

co-trang-luon-chu-dong-tim-toi-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-giup-hoc-sinh-tiep-can-nhanh-voi-bai-giang.jpg
Cô Trang luôn chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp cận nhanh với bài giảng. Ảnh: A.H

Từ năm học 2019-2020, cô Trang được Ban Giám hiệu nhà trường phân công dạy tại điểm trường làng Kuăi, cách trường chính 4 km. Sau giờ lên lớp, cô Trang dành thời gian tới thăm nhà học sinh vừa để trao đổi tình hình học tập vừa hiểu hơn cuộc sống gia đình các em.

Nhận thấy cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn mà rào cản lớn nhất chính là nhận thức còn hạn chế, cô Trang không khỏi trăn trở phải làm gì đó để giúp bà con. Và lớp xóa mù chữ đã ra đời sau đó.

“Sức của mình đến đâu thì làm đến đó. Mình muốn bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán để nâng cao hiểu biết, từ đó có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Mình xin ý kiến Ban Giám hiệu nhà trường, sau đó liên hệ với địa phương để được hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như tuyên truyền, vận động người dân đến lớp. Có thời điểm, sĩ số lớp lên đến 50 học viên. Già có, trẻ nhỏ có. Đến nay, lớp học ổn định với hơn 30 học viên, người lớn tuổi nhất hơn 70”-cô Trang chia sẻ.

Để duy trì lớp học, cô Trang trích tiền lương để mua sách, vở, bút phát cho học viên. Lâu dần, nhiều bạn bè, người thân biết đến lớp học ủng hộ, đồng hành với cô Trang. Những phần quà không dừng lại ở sách, vở mà còn có quần áo và nhu yếu phẩm để khích lệ, động viên những người đến lớp chuyên cần, học tập tiến bộ.

Một số bạn bè, học trò cũ sau khi biết đến lớp học đã hỗ trợ lắp đặt 2 đèn năng lượng mặt trời thắp sáng sân nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 bóng điện bên trong hội trường và 2 quạt điện…

1-4752.jpg
Cô Hồ Thị Thùy Trang và học viên tại lớp xóa mù chữ. Ảnh: A.H

Bước sang tuổi 72, bà Siu H’Bông là học viên lớn tuổi nhất lớp. Mắt kém nên bà đến lớp với chiếc đèn pin đội đầu. Hơn 2 năm qua, bà H’Bông chỉ vắng 3 buổi học, đều vì lý do sức khỏe.

“Ban ngày, mình đi chăn bò thuê, tối về cũng mệt nhưng vẫn muốn đến lớp để học. Cô giáo Trang nhiệt tình lắm! Nhà cô cách làng gần 3 km song dù trời có mưa to, cô vẫn đến lớp sớm hơn mọi người. Mình thương cô giáo Trang như con gái vậy. Nhờ cô giáo Trang, mình và nhiều người dân đã biết đọc, biết viết”-bà H’Bông bày tỏ.

Cô Trang còn dành thời gian hướng dẫn người dân, nhất là phụ nữ trong làng biết cách sắp xếp cuộc sống, tiết kiệm chi tiêu, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình… “Với tôi, hạnh phúc là được cho đi. Hạnh phúc là được làm điều mình mong muốn. Đến thời điểm hiện tại, lớp học xóa mù chữ đạt được kết quả khả quan. Học viên không chỉ biết đọc, biết viết mà còn đọc tốt, viết tốt. Tôi dự định kết thúc khóa học này vào giữa tháng 3-2025”-cô Trang tâm sự.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Blứ Nguyễn Thị Hồng Diễm: “Lớp học xóa mù chữ tại làng Kuăi rất hữu ích. Từ ngại ngần, e dè ban đầu, đến nay, bà con rủ nhau đi học ngày càng đông. Sau hơn 2 năm kiên trì, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Cũng từ đó, nhận thức của người dân chuyển biến đáng kể.

Nhờ sự tận tình của cô Trang mà bà con dần hình thành thói quen sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp; tiết kiệm chi tiêu đã cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn hàng ngày”.

Dạy học trò bằng tình thương yêu

Năm 2024, cô Hồ Thị Thùy Trang được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong tham mưu thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trước khi làm giáo viên, cô Hồ Thị Thùy Trang từng là thợ may vất vả kiếm sống. Trở thành nhà giáo từng là ước mơ xa vời với cô gái trẻ, vì cuộc sống gia đình khó khăn, phải lo cái ăn trước mắt.

“Mình theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, tốt nghiệp về nhận công tác tại trường từ năm 1994 đến nay. Chừng ấy năm, rõ ràng, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, như ông bà ta thường nói”-cô Trang kể.

Cô Trang quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo gia đình đi lập nghiệp nhưng chất giọng và sự dịu dàng đặc trưng của người con gái Huế không hề thay đổi. Có lẽ sức mạnh từ sự dịu dàng, tâm huyết là “thỏi nam châm” giúp cô Trang thuyết phục bao lứa học trò vùng khó. Hiểu rõ tâm lý học trò luôn cần sự quan tâm và yêu thương chân thành nên thay vì trách mắng khi các em phạm lỗi, cô Trang nhẹ nhàng giải thích giúp học sinh sửa sai.

Em Hoàng Thanh Trúc (lớp 3A3, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh) bày tỏ: “Cô Trang vui tính và luôn nhẹ nhàng với chúng em. Cô hay xoa đầu động viên học sinh. Giờ ra chơi, cô thường kể nhiều câu chuyện hay, bổ ích cho tụi em nghe”.

12.jpg
Cô Hồ Thị Thùy Trang luôn được các em học sinh yêu mến. Ảnh: A.H

Dùng yêu thương để dạy học trò và luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu phương pháp bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, phụ đạo học sinh chậm tiến, những năm qua, cô Trang luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến.

“Đầu mỗi năm học, tôi thường nắm bắt thông tin học sinh từ giáo viên chủ nhiệm trước. Sau đó, tôi thường xuyên gần gũi để nắm tình hình học tập và cuộc sống, tính cách của từng em. Tôi cũng thường trao đổi với phụ huynh để tìm ra phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả nhất.

Cùng với đó, tôi luôn nhận thức rõ việc đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong quá trình công tác. Năm nào, tôi cũng tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, đồng thời tích cực học hỏi từ đồng nghiệp để tiến bộ. Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy Toán” của tôi được đánh giá cao và áp dụng vào giảng dạy trong khối lớp 3”-cô Trang nói.

Đặc biệt, xuất phát từ tình yêu thương dành cho học trò nên nhiều năm qua, cô Trang kết nối với các nhà hảo tâm trao tặng hàng trăm phần quà gồm: quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và nhu yếu phẩm cho học sinh và người dân trên địa bàn.

Tại điểm trường làng Kuăi, cô vận động nguồn lực làm nhà vệ sinh, đổ bê tông sân trường, xây dựng 2 thư viện thân thiện ngoài trời, làm xích đu, cổng, trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên… tạo môi trường học tập sáng-xanh-sạch-đẹp.

Ngoài ra, cô cùng bạn bè, người thân hỗ trợ 47 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại điểm trường; hỗ trợ và hướng dẫn xây dựng góc học tập cho nhiều em học sinh dân tộc thiểu số, giúp tăng khả năng tập trung và phát huy tư duy sáng tạo.

“Hơn 30 năm gắn bó với nghề, mình thấy bản thân thật giàu có và hạnh phúc. Bởi bao thế hệ học trò đã tốt nghiệp vẫn thường xuyên quan tâm, dành tình cảm cho cô giáo thời tiểu học. Khi biết mình mở lớp xóa mù chữ hay vận động kinh phí hỗ trợ người nghèo, nhiều em sẵn sàng chung tay. Tình yêu thương mình dành cho các em tiếp tục được các em lan tỏa đến mọi người, còn gì hạnh phúc hơn”-cô Trang bày tỏ.

Thầy Đào Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh-nhận xét: “Cô Hồ Thị Thùy Trang là giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; luôn chủ động học tập, tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo trong giảng dạy. Cô vui vẻ, hòa đồng với đồng nghiệp, gần gũi với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, cô Trang đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc học ở điểm trường làng Kuăi; đồng thời, gieo con chữ giúp dân làng từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên cải thiện cuộc sống”.

22logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898-1923.jpg

Có thể bạn quan tâm