Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Sức sống mới trên thung lũng Ia Drăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn bên dòng suối Ia Drăng (huyện Chư Prông), chúng tôi không giấu được niềm vui và hạnh phúc. Càng đi, chúng tôi càng cảm nhận rõ sức sống mới tràn đầy trên thung lũng Ia Drăng.

1logo.jpg

1. Một ngày đầu mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi về thăm lại mảnh đất Chư Prông. Anh bạn đồng hành Trần Văn Hùng vừa đi vừa kể: “Năm 1984, tôi về dạy học ở Chư Prông. Khi ấy, thung lũng Ia Drăng còn khá hoang sơ, “sơn lam chướng khí”. Càng về phía Tây huyện, độ che phủ càng dày đặc, thậm chí đàn voi rừng thi thoảng xuất hiện ở vùng nương rẫy của người dân. Những cánh rừng khộp nguyên sinh kéo dài dọc biên giới, mùa khô lá cây dầu rụng dày trên đất, mỗi bước chân đi qua đều phát ra thanh âm lao xao phá tan bầu không khí tĩnh lặng của núi rừng”.

suc-song-moi-tren-thung-lung-ia-drang-dd.jpg
Hoa muồng vàng khoe sắc bên những vườn chè xanh ngát ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Ảnh: Phan Nguyên

Từ đỉnh cao Hàm Rồng (Chư H’Drung) nhìn về hướng Tây Nam, ta thấy một ngọn núi có dạng hình phễu, giống với Chư H’Drung nhưng thấp bé hơn, như 2 anh em. Đó là ngọn Chư Prông (cao hơn 730 m), cũng là miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm.

Vùng sinh thủy Chư H’Drung tạo nên suối Ia Drăng cùng với suối Ia Mơ, Ia Lốp chảy về hướng Tây và Tây Nam hòa với các phụ lưu trước khi đổ vào dòng Mê Kông. Lần theo những dòng suối nhỏ để đến những nhánh sông, chúng tôi chỉ chọn một lát cắt nhỏ theo con nước Ia Drăng để tìm hiểu thêm về thiên nhiên, văn hóa tộc người và lịch sử vùng đất với bao điều thú vị.

Khi còn tại thế, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành, một cán bộ cách mạng trong Đội vũ trang tuyên truyền 118, thời kháng chiến chống Pháp cách nay trên 72 năm đã hoạt động ở Khu 5 (vùng đất ở sườn phía Tây cao nguyên Pleiku, bao gồm Chư Prông, Đức Cơ ngày nay) đã kể cho chúng tôi rằng: Ngày đầu lên công tác dân vận ở vùng đất này, rừng còn ken dày, hiểm trở ngăn cách bởi những thung lũng sâu, nhưng cũng có nơi vùng đồi thấp đầy le và cỏ tranh. Nhưng nhìn chung, đây là vùng đất có nhiều thung lũng trù phú, có thể trồng các loại cây nông nghiệp và phát triển cây công nghiệp.

Nhớ lại những ngày lạc rừng cả tuần lễ quanh quẩn trong các khu rừng già với những con suối nhỏ ở Chư Prông khi tổ công tác bị lộ, địch đang truy lùng, đói khát, lạnh lẽo, bác Thành bấy giờ có thể cầm hơi, sống sót là nhờ nương rẫy và các khu rừng ma của làng Jrai. Thời ấy, thú rừng còn nhiều, nhất là hổ, đi hướng nào cũng gặp. Đồng bào địa phương rất sợ khi đi làm nương rẫy đụng độ loài thú dữ này.

Ông Ngô Thành kể: Đoàn công tác chạm mặt với chúa sơn lâm nhiều lần. Trong đó có 2 lần khiến ông nhớ mãi vì trực tiếp cứu đồng đội bị hổ vồ suýt mất mạng.

Nhắc đến Chư Prông trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, người ta không thể quên bài học lịch sử đau thương và hào hùng ở mảnh đất này. Thực dân Pháp thiết lập đồn điền chè Bàu Cạn (nay thuộc xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) năm 1925, lấy tên chính thức là Công ty Nông nghiệp Chè và Cà phê Kon Tum-An Nam (viết tắt là CATECKA). Người dân địa phương quen gọi là đồn điền Ia Púch vì nó nằm bên cạnh dòng suối Ia Púch, nay là Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn.

Nơi đây đã từng xuất hiện phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân sớm nhất ở Bắc Tây Nguyên để đòi quyền lợi. Và những “hạt giống đỏ” của Đảng ta cũng đã gieo mầm từ mảnh đất này, dẫn dắt phong trào từ tự phát đến tự giác, dần dần lan rộng đến các đồn điền khác trong tỉnh và những buôn làng xung quanh.

Đi qua địa phận Bàu Cạn ngày nay, mọi người không khỏi ngỡ ngàng với những vườn chè xanh ngát dưới bóng mát của cây muồng hoa vàng khoe sắc đầu mùa khô Tây Nguyên, tạo nên không gian xanh thoáng đãng, bình yên và trù phú. Có lẽ ít người nghĩ rằng nơi đây đã từng đổ biết bao mồ hôi, xương máu của những công nhân bị thực dân Pháp bần cùng hóa một thời.

2. Dừng chân ở xã Ia Phìn anh hùng, chúng tôi lại nhớ về làng Bak, nơi sinh ra người nữ du kích Kpă Ó trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng nghĩ đến trận chống càn, dồn dân lập ấp năm 1962 của làng Bak 1 và Bak 2 với hàng trăm đồng bào Jrai thương vong trong cuộc thảm sát của địch năm ấy khiến ai cũng rùng mình. Tưởng rằng sau biến cố đau thương đó, làng Bak đã bị xóa sổ. Nhưng sau ngày thống nhất đất nước, hơn 40 gia đình Jrai lưu lạc của làng Bak lại trở về làng cũ xây dựng cuộc sống mới.

Trên mảnh đất đầy máu và nước mắt ấy, bà con làng Bak ngày nay đã vươn dậy bằng chính bàn tay cần cù của mình với hàng chục héc ta lúa nước, cả trăm héc ta cà phê, hồ tiêu. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả.

z6072936902192-fde06c02dbb9752588d09432fb61805a.jpg
Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Gia Lai dâng hương tại Di tích lịch sử chiến thắng Pleime. Ảnh: Đức Thụy

Những người từng tham gia kháng chiến ở địa phương nay bước vào độ tuổi U80, không ai không nhớ đến chiến dịch “quần nhau với giặc” suốt cả tháng trời ở chiến địa Plei Me-Ia Drăng với quân đội Mỹ và lính Quân đoàn II Việt Nam Cộng hòa. Đây là chiến dịch quy mô của Mặt trận B3 Quân Giải phóng bước đầu “thử lửa” với quân đội Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Trận chiến Plei Me-Ia Drăng đã vang dội khắp trong và ngoài nước.

Tham gia Chiến dịch Plei Me bấy giờ, ngoài đơn vị quân chủ lực của ta còn có các đơn vị địa phương và hàng ngàn dân công hỏa tuyến. Nhân dân Khu 5 đã gùi cõng, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch; thành lập các trạm cứu thương để cứu giúp thương-bệnh binh.

Địch đã sử dụng máy bay B52 rải hàng trăm tấn bom xuống thung lũng Ia Drăng. Đây là trận rải thảm đầu tiên của không lực Hoa Kỳ bằng máy bay ném bom hiện đại nhất xuống vùng đất Tây Nguyên. Nhưng với ý chí quyết chiến và quyết thắng trong trận đầu diệt Mỹ, quân và dân ta bằng lối đánh tổng hợp, khôn khéo đã nhanh chóng làm chủ chiến trường, gây cho địch nhiều tổn thất.

2-dap-thuy-loi-hoang-an-anh-hung-hoa-lu.jpg
Đập Thủy Lợi Hoàng Ân. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Sau ngày hòa bình, Tướng Moore (khi tham gia trận Ia Drăng là Thiếu tá quân đội viễn chinh Mỹ) đã trở lại Việt Nam thăm lại chiến trường Plei Me-Ia Drăng, nơi mà ông ta cùng những người lính Mỹ nếm trải nỗi lo sợ và kinh hoàng. Cuốn hồi ký của Moore “We were soldiers one… and young” (Chúng tôi từng là… người lính trẻ) mà sau này được chuyển thể thành phim “We were soldiers” (Chúng tôi là những người lính) đã làm sai lệch nhiều sự thật lịch sử. Trong khi đó, hồi ký của Moore ghi nhận: Phía đối phương là những chiến binh khôn khéo, luôn tìm cách tập kích hoặc cơ động đánh vào sườn và “giỏi không chịu được!”.

Bài học về chiến thuật với quân ta trong trận này là: “Trong trận này, mưu hay của ta là lừa địch, kế giỏi là dụ quân Mỹ vào đúng điểm quyết chiến ta đã chọn; phát huy sở trường đánh gần của ta để làm hạn chế điểm mạnh về hỏa lực, cơ động của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch đã khẳng định ta có khả năng đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ”.

Điều đáng tiếc là hiện nay trên mảnh đất anh hùng này, chúng ta chưa xây dựng được một tượng đài chiến thắng tương xứng với chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Plei Me-Ia Drăng vang dội.

rung-cao-su-chu-prong.jpg
Rừng cao su ở thung lũ Ia Drăng hôm nay. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai-Kon Tum có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới ở Chư Prông và thiết lập các nông trường cao su trên vùng đất hoang hóa còn bao vết tích, bom đạn trong chiến tranh. Từ bộ khung với vài chục cán bộ của Nông trường Đồng Giao vào khảo sát, đặt cơ sở ban đầu cho việc khai phá vùng đất phía Tây Pleiku này, hàng ngàn thanh niên xung phong của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã đặt chân đến Chư Prông với hy vọng sẽ xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất Tây Nguyên.

Trải qua bao gian khó ban đầu với mưa rừng gió núi, những người kiên trì còn trụ lại đã từng bước tạo dựng nên những nông trường cao su, cà phê trù phú, làm đổi thay một vùng đất khó ngày nào.

*

* *

Gần nửa thế kỷ đã qua, từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, thung lũng Ia Drăng đã xanh lại màu xanh hy vọng, mang sức sống của kỷ nguyên mới. Con nước Ia Drăng vượt qua bao thác ghềnh vẫn bền bỉ chảy về phía trước, tưới mát cho bao mảnh đất cằn khô, đem ánh sáng cho các buôn làng người Jrai dưới chân núi Chư Prông, nơi mà người dân địa phương luôn tự hào là vùng đất thiêng, là xứ sở của những chàng Đam San chưa bao giờ biết khuất phục trước kẻ thù.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395.jpg

Có thể bạn quan tâm