45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giới thiệu Bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được sự giúp đỡ của Báo Nhân dân, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945-1969.
 

Bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945-1969.

Danh xưng “Hồ Quang” hay “Hồ Chí Minh” ban đầu được Bác sử dụng như là một bí danh. Đó là thời điểm cuối năm 1938, từ Liên Xô trở lại Trung Quốc hoạt động, trong vai một Thiếu tá của Bát Lộ quân, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng cái tên “Hồ Quang” để công tác tại Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát Lộ quân ở Quế Lâm (Trung Quốc), nhiệm vụ cụ thể là Ủy viên y tế kiêm Ủy viên bích báo, tham gia lãnh đạo Phòng[1].

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc quay lại Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam (một hội đoàn được chính Người tổ chức ra trước đó) để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh, qua đó tìm kiếm sự ủng hộ cho cuộc cách mạng ở trong nước. Lúc này, cái tên “Hồ Chí Minh” lần đầu tiên đã được Bác chính thức sử dụng trong các giấy tờ cá nhân. Chỉ ít ngày sau đó, ngày 29-8-1942, Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giữ và giam cầm hơn một năm[2]. Chính trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù của Quốc dân Đảng, Hồ Chí Minh đã viết tập thơ "Nhật ký trong tù". Từ đó, cái tên Hồ Chí Minh được sử dụng thường xuyên hơn.

Ngày 2-9-1945, trong phần cuối bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chữ ký “Hồ Chí Minh” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức sử dụng cùng với chữ ký của 13 người khác là những vị Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ mới (gồm: Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Trọng Khánh, Phạm Văn Đồng, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến)[3].

Vậy là bắt đầu từ ngày 2-9-1945, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, danh xưng “Hồ Chí Minh” đã chính thức được sử dụng công khai. Nói “Chủ tịch Hồ Chí Minh” là diễn đạt theo ngữ pháp của người Việt Nam, còn nói “Hồ Chủ tịch” là diễn đạt theo ngữ pháp của người Trung Quốc.

Từ thời điểm sau ngày thành lập nước 2-9-1945, cho đến ngày 25-8-1969, trong tất cả văn bản của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều sử dụng chữ ký “Hồ Chí Minh” cho danh xưng chính thức của mình trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M.Níchxơn”. Trong bức thư này, Bác đã nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình…”. Cuối thư, vẫn như thường lệ, Bác ký tên “Hồ Chí Minh”[4]. Đây là văn bản chính thức cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Bác qua đời, ngày 2-9-1969.

Chỉ một vài lần hiếm hoi vào các năm 1947, 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng chữ ký với duy nhất một chữ “H”, là chữ cái đầu tiên trong danh xưng “Hồ Chí Minh”.

Tìm hiểu về danh xưng “Hồ Chí Minh” càng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc thêm về tư tưởng, đạo đức, phong cách giản dị, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành cả cuộc đời vì dân, vì nước, vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

–––––––––––––––

[1], [2]. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử (Tập 2: 1930 – 1945). Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2009

[3]. Hồ Chí Minh - Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2011, Tập 4, Trang 1-3

[4]. Hồ Chí Minh - Toàn tập. Sđd, Tập 15, Trang 602-603

Theo đcs

Có thể bạn quan tâm