45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Điều "đầu tiên" trong những dòng cuối cùng của Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi để khẳng định và bảo vệ những giá trị cao quý của con người, đem lại sự ấm no hạnh phúc cho con người. Những dòng cuối cùng để lại, Người lại nhấn mạnh điều đầu tiên là công việc chăm lo cho con người.

Con người là chủ thể sáng tạo lịch sử. Nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí vai trò của nhân tố con người và phát huy mọi nguồn tiềm năng của nó trong quá trình xây dựng xã hội mới có ý nghĩa rất quan trọng cả trong lý luận và thực tiễn, sẽ thúc đẩy quá trình sáng tạo lịch sử của quần chúng. Trong những hoạt động thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết những vấn đề này một cách nhuần nhuyễn, hài hoà, phù hợp với những điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam, của cách mạng Việt Nam và đã có những thành công. Trong những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta, Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, và “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Và “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.[1]

 

Bác Hồ với học sinh trường Trưng Vương Hà Nội - Ảnh tư liệu.
Bác Hồ với học sinh trường Trưng Vương Hà Nội - Ảnh tư liệu.

Từ ngày 18-6-1919, khi cái tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên diễn đàn chính trị với bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi tới Hội nghị Versailles đòi quyền tự do dân chủ và bình đẳng cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đặt vấn đề con người, bênh vực và giải phóng con người. Lòng nhân ái bao la là điểm xuyên suốt trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời Người đã đấu tranh không mệt mỏi để khẳng định và bảo vệ những giá trị cao quý của con người, đem lại sự ấm no hạnh phúc cho con người. Người đã thực hiện chiến lược con người khi khái niệm này còn chưa xuất hiện trên báo chí, sách vở.

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ phải biết phát huy tính chủ động sáng tạo của quần chúng để giải quyết mọi vấn đề trong thực tiễn cách mạng. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Huy động được khối sức mạnh vô tận của đông đảo quần chúng sẽ đưa sự nghiệp cách mạng tới thành công. Đó là bài học kinh nghiệm vô giá của cách mạng Việt Nam.

Tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết riêng một đoạn Di chúc về công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó Người tập trung nêu lên những vấn đề về chính sách với nhiều tầng lớp xã hội.

Đối với các thương binh: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Đối với những gia đình chính sách “mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Những chính sách ưu đãi người có công là những nhiệm vụ thiêng liêng mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, là những việc cần bắt đầu làm ngay và duy trì thường xuyên trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.

Với những thanh niên đã qua thử thách chiến tranh và đã tỏ ra dũng cảm, là vốn quý, “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đảng cần lựa chọn một số ưu tú nhất để bồi dưỡng đào tạo thành những cán bộ có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc.

Với phụ nữ, Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải dùng vừa pháp luật, vừa giáo dục để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”.

Với khối quần chúng đông đảo nhất trong một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, sau ngày chiến thắng, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân để đồng bào thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói đánh đuổi đế quốc thực dân, lật đổ chế độ phong kiến còn dễ hơn việc xây dựng một xã hội mới. Như Người đã viết trong Di chúc, đây thực sự là một cuộc chiến đấu khổng lồ và cần phải có những người mới và tốt cùng chung sức chung lòng, kế tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác mới có thể đưa cuộc chiến đấu ấy đến thắng lợi. Trước kia chúng ta chưa hiểu hết tinh thần của Hồ Chí Minh khi nói về cuộc chiến đấu khổng lồ đó. Cũng đã có khi chúng ta nghĩ đơn giản rằng một dân tộc anh hùng dưới sự lãnh đạo của một Đảng anh hùng đã đánh thắng cả mấy đế quốc to thì có thể dễ dàng xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công một cách nhanh chóng. Nhưng thực tiễn Việt Nam và thế giới ngày càng chứng minh tầm nhìn của Hồ Chí Minh về con đường đi đến dân chủ và giàu mạnh là con đường dài, khó khăn hơn cả con đường chiến thắng đế quốc, phong kiến. Đó là “sự nghiệp trăm năm” và phải chú trọng việc “trồng người” vì “sự nghiệp trăm năm” ấy.

Với Hồ Chí Minh, con người vừa là động lực vừa là mục tiêu giải phóng của cách mạng. Một loạt những chính sách xã hội được nêu trong Di chúc khi viết về những công việc đối với con người sau chiến tranh là sự cụ thể hóa những lý tưởng giải phóng và phát triển con người trên con đường tiến lên xã hội cộng sản. Cho đến những dòng cuối cùng của cuộc đời Người vẫn đau đáu việc chăm lo bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho con người mới vì sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Hôm nay, chúng ta đang triển khai đưa Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước vào cuộc sống với những nhiệm vụ lớn: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…, chúng ta càng thấy ý nghĩa quan trọng của những luận điểm về con người và xây dựng con người của Hồ Chí Minh.

[1] Những đoạn trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn từ “Các bản in nguyên văn bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong sách Hồ Chí Minh Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 15, từ trang 609 đến trang 624.

Theo đcsvn

Có thể bạn quan tâm