45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn kết-Tâm nguyện cuối cùng của Người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đoàn kết là tư tưởng lớn, là một viên ngọc quý trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Trong cửa Phật không có từ nào nhiều bằng từ từ bi, trong cửa Khổng, sân Trình không có từ nào nhiều bằng từ nhân nghĩa, trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có từ nào nhiều hơn từ đoàn kết”. Xuất phát từ quan điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chiến lược đoàn kết của Người đi theo một trình tự logic: Đoàn kết trong Đảng đến đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Ảnh: Lương Thanh
Ảnh: Lương Thanh

Chăm lo xây dựng và củng cố khối đoàn kết trong Đảng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã xác định trước hết phải “bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành lập và hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Người cũng tuyên bố trước toàn dân tộc mục đích của Đảng: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đến những dòng cuối cùng của Người, tư tưởng đó vẫn đau đáu trong tâm can: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong đó, Người cũng chỉ ra những biện pháp để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình… Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đoàn kết trong Đảng dù rất quan trọng nhưng chưa đủ vì Đảng ta dù vĩ đại đến mấy cũng chỉ là một bộ phận của nhân dân, sự nghiệp cách mạng sẽ không thành công nếu không có sự hưởng ứng của nhân dân.

Trong Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”. Đó là khát khao, ước vọng cháy bỏng mà vì đó Bác đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc cho nhân dân. Người khẳng định đoàn kết dân tộc chính là nhân tố quyết định, với quyết tâm và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam, mọi ý đồ xâm lược, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù đều bị đánh bại và “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Người nhấn mạnh: Lực lượng giải phóng dân tộc phải là toàn dân thì trong xây dựng và phát triển đất nước cũng nhất định phải dựa vào sức mạnh của toàn dân. Đoàn kết trong Đảng phải gắn chặt với đoàn kết dân tộc.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần quan trọng để viết về vấn đề đoàn kết quốc tế. Với một tầm nhìn mới về chiến lược đoàn kết, Người xác định: Đoàn kết dân tộc phải kết hợp với đoàn kết quốc tế.

Ngay trong phần mở đầu của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ ước muốn đến ngày chiến thắng: “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Một sự chu toàn hiếm có, đó vừa là mong muốn nhưng cũng là biện pháp để xây đắp tình đoàn kết giữa những con người và các dân tộc.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là then chốt trong chiến lược đoàn kết quốc tế và sự đoàn kết giữa các Đảng anh em chính là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thắng lợi hoàn toàn. Vậy nên, sự bất hòa giữa các đảng anh em trở thành nỗi day dứt khôn nguôi của Người: “Tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Tuy nhiên, với niềm tin vào sự đoàn kết trở lại giữa các đảng và các nước anh em, Người đã ủy thác nhiệm vụ to lớn này cho Đảng để “góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em”.

ThS. Đào Ngọc Bình

Có thể bạn quan tâm