45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, P.V Gia Lai online đã có cuộc trao đổi với ông HÀ SƠN NHIN-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai xung quanh vấn đề này.
 

 

- P.V: Ông có thể cho biết việc thực hiện những lời căn dặn trong Di chúc của Bác Hồ ở tỉnh ta trong suốt 45 năm qua như thế nào?

Ông HÀ SƠN NHIN: Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã đồng hành cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và bắt tay vào xây dựng xã hội mới. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, những tên đất, tên làng, tên sông, tên suối như: Tơ Tung, Plei Me, Ia Drăng, Cheo Reo, Phú Bổn... hay tên của những người con ưu tú như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Rơ Chăm Ớt... đã đi vào huyền thoại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Gia Lai cũng như của dân tộc.

Trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn. Nếu như năm 1975, tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, dân số phần đông mù chữ, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội rất thiếu và lạc hậu do hậu quả của chiến tranh để lại thì đến nay, quy mô nền kinh tế tăng gấp hàng trăm lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao, GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%; 2005-2010 đạt 13,6%/năm, nửa đầu nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 12,86%; 6 tháng đầu năm 2014 đạt 11,16%. Các vùng chuyên canh cây nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành và phát triển nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100.000 ha cao su, 11.500 ha hồ tiêu, gần 80.000 ha cà phê…. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả; đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23%. Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Quốc phòng-an ninh được giữ vững.

 

Tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắt trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Lê Hòa
Tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắt trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Lê Hòa

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 45 năm qua, chúng ta vẫn còn nhiều điều trăn trở. Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, tồn tại… Mặt khác, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là tổ chức phản động FULRO lưu vong; diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông… đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Đó là thách thức lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần phải tập trung phấn đấu để vượt qua.

- P.V: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, sâu rộng trong đời sống xã hội tỉnh nhà. Ông có thể đánh giá khái quát hiệu quả cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua? Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả tích cực, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Ông HÀ SƠN NHIN: Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ Gia Lai thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Việc“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được nghiêm túc triển khai, đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng và đang có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo sự ổn định chính trị và góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả tích cực, chúng ta cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng bộ và toàn xã hội; đưa nội dung học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, nền nếp trong sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt của hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Chủ động phát hiện, đấu tranh với các thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt để biểu dương, động viên, nhân rộng những nhân tố tích cực nhằm tạo không khí phấn khởi, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

- P.V: Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật mà Đảng bộ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua cũng như giải pháp trong thời gian đến?

Ông HÀ SƠN NHIN: Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đến nay chúng ta đã và đang đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn Đảng bộ, nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng được nâng lên. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Sau hội nghị kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, tập thể và từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tự nghiêm khắc với bản thân mình hơn thông qua những hành động, việc làm cụ thể. Hoạt động của Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã có nhiều đổi mới, dân chủ trong Đảng được phát huy; đã khắc phục tình trạng buông lỏng hoặc “dài tay” trong hoạt động ở một số cấp ủy; đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ ngày càng thẳng thắn, chân tình hơn. Phong cách, tác phong của cán bộ, đảng viên cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đã khắc phục tình trạng thiếu sâu sát cơ sở, xa dân, “nói nhiều làm ít” ... qua đó góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số mặt cần quan tâm khắc phục như: nhiều vấn đề bất cập trên các lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được giải quyết triệt để; ý thức, trách nhiệm với công việc, tinh thần phục vụ nhân dân của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chuyển biến rõ nét…

Để thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, đồng thời phải gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Phải lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá; mạnh dạn thay thế, luân chuyển đối với một số cán bộ vi phạm, ý thức trách nhiệm trước dân, trước Đảng không cao, hiệu quả công việc thấp....

- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi !

Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm