45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị Di chúc của Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nói đến Di chúc, bởi đó là văn kiện lịch sử vô giá, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

 Điêu khắc Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Ngọc Bình
Điêu khắc Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Ngọc Bình

Suốt 30 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum luôn quan tâm, nỗ lực tìm kiếm cách thức trưng bày các kỷ vật liên quan đến Người, đặc biệt là các bản Di chúc sao cho khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu và hiểu biết thấu đáo về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức của Người nói chung và về giá trị của Di chúc nói riêng.

Đảng và Nhà nước ta đã 2 lần công bố Di chúc của Người. Lần đầu vào tháng 9-1969 và lần thứ hai là ngày 19-8-1989 với Thông báo số 151/TB-TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum được phép trưng bày toàn bộ các bản Di chúc của Người viết năm 1965 và các bản Bác viết bổ sung năm 1966, 1968 và 1969.

Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày bản điêu khắc Di chúc bằng gỗ đầy sống động. Năm 1983, với sự khéo léo và kiên trì của mình, ông Nguyễn Phước đã dùng phương pháp cưa lộng trên gỗ lồng mức để khắc họa một trang trong bản Di chúc của Người, với kích thước 1,46 mét x 1,15 mét, đề ngày 10-5-1969, nhũ vàng. Đây là một trong những hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, tạo nên điểm nhấn, thu hút rất mạnh mẽ khách tham quan.

Trong thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum sẽ lập đề án đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép bổ sung, chỉnh lý nội dung các tổ hợp trưng bày. Trong đó, toàn bộ các bản Di chúc của Người có thể trưng bày trên các etiket nhằm giúp cho khách tham quan dễ dàng xem được các trang có bút tích của Người. Điều này sẽ gây được cảm xúc và ấn tượng cho người xem đồng thời hiểu rõ về giá trị của Di chúc.

Bên cạnh đó, các bản Di chúc cũng phải được dịch ra tiếng nước ngoài để khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Mục đích là giúp họ hiểu về những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mục tiêu chung của thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum tiếp đón khoảng hơn 4.000 lượt khách tham quan. Vì vậy, việc đổi mới hình thức trưng bày, trong đó có các bản Di chúc là rất cần thiết. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức của Người nói chung về giá trị của Di chúc nói riêng.

ThS. Đào Ngọc Bình

Có thể bạn quan tâm